Thứ năm, 05/12/2024, 06:15 (GMT+7)

Thu nhập 12 triệu đồng/tháng đầu tư thế nào để tiền đẻ ra tiền?

Theo chuyên gia tài chính Dương Minh Ngọc, thu nhập 12 triệu/tháng không phải là mức cao nhưng với người mới đi làm, đây cũng không phải mức thu nhập thấp. Tiết kiệm và đầu tư sớm sẽ giúp mỗi người xây dựng được nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Hiện nay, người trẻ ngày càng quan tâm đến việc tích lũy tài sản thông qua các hình thức đầu tư sinh lời. Việc tích lũy này giúp cá nhân xây dựng một “bản lề tài chính” mạnh mẽ, sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống và tạo điều kiện để đạt đến tự do tài chính trong tương lai.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng tiền nhiều hay ít thì bản thân luôn chú ý tiết kiệm, đầu tư không chỉ các kênh sinh lời mà cả việc trau dồi chuyên môn cho tương lai tốt hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ tình hình tài chính hiện tại để lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với bản thân.

Với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng, Quốc Việt (23 tuổi) cho biết, sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt, mỗi tháng còn dư 5 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn 60 triệu đồng tiền nhàn rỗi. Dự tính cuối năm 2027 anh sẽ lập gia đình. Do gia đình khó khăn anh muốn sẽ tự tích góp để tổ chức đám cưới. Hiện anh băn khoăn không biết nên lựa chọn hình thức đầu tư nào để gia tăng khả năng sinh lời và hạn chế rủi ro nhất. 

Tiết kiệm và đầu tư sớm sẽ giúp mỗi người xây dựng được nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.
Tiết kiệm và đầu tư sớm sẽ giúp mỗi người xây dựng được nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Nhằm giải đáp những băn khoăn của độc giả, Tiếp thị & Gia đình đã liên hệ với chuyên gia tài chính Dương Minh Ngọc (Công Ty TNHH Doanh Nghiệp Xã Hội Cộng Đồng Cố Vấn Tài Chính Việt Nam):

Trước tiên mình muốn chúc mừng bạn Quốc Việt vì đã có được tư duy tài chính rất lành mạnh và đúng hướng khi còn rất trẻ. Tiết kiệm và đầu tư sớm cùng với việc có ý thức phát triển bản thân giúp gia tăng thu nhập, từ đó tăng tỉ lệ tiết kiệm sẽ giúp bạn xây dựng được nền tảng tài chính vững chắc cho bạn và gia đình.

Bạn đang ở độ tuổi vừa ra trường, mới đi làm, nên việc bạn cần tập trung là học hỏi, phát triển bản thân, tích lũy kinh nghiệm để gia tăng giá trị cho mình, từ đó thu nhập cũng được tăng lên. Đây chính là bước xây dựng lớp tài sản đầu tiên - lớp tài sản vô hình trong cấu trúc tháp tài sản của một người. Lớp tài sản này đem lại dòng tiền đều đặn hàng tháng mà không cần phải đầu tư nhiều tiền bạc, lại không có rủi ro mất vốn. Cùng với đó, bạn cũng cần quản trị tốt chi phí, tỉ lệ gia tăng chi phí thấp hơn gia tăng thu nhập giúp tỉ lệ tiết kiệm ngày càng tăng lên sẽ giúp phần tích lũy của bạn ngày càng lớn lên một cách nhanh chóng và bền vững.

Về phần đầu tư, trước tiên bạn cần dành ra một khoản tương đương 3-6 tháng chi phí sinh hoạt trong tài khoản tiền gửi dùng làm quỹ dự phòng khẩn cấp, với thông tin bạn chia sẻ thì quỹ này tương ứng 21-42 triệu đồng. Số tiền này giúp bạn xử lý những tình huống khẩn cấp mà không ảnh hưởng đến kế hoạch của khoản đầu tư, vì khi đã đầu tư bạn cần có kế hoạch để đạt được lợi nhuận tối ưu.

Giả dụ, bạn có ý định đầu tư chứng khoán, để đạt mức kỳ vọng lợi nhuận 20% theo kế hoạch là cần thời gian 12 tháng. Nhưng bạn gặp tình huống khẩn cấp cần đến tiền, khoản đầu tư này thậm chí đang bị điều chỉnh giảm 10% mà bạn vẫn phải thanh khoản để rút tiền sử dụng. Khi đó rõ ràng khoản đầu tư của bạn bị thay đổi kế hoạch dẫn đến không những không sinh lời mà còn bị hao hụt. Giải thích rõ như vậy để bạn hiểu tầm quan trọng của một quỹ dự phòng khẩn cấp trong tài chính cá nhân.

Như vậy với số tiền nhàn rỗi còn lại từ 18 đến 39 triệu, với mục tiêu rất rõ ràng là 3 năm nữa bạn cần sử dụng số tiền tiết kiệm để tự tổ chức đám cưới thì mình tư vấn bạn hiện tại nên phân bổ danh mục theo chiến lược đầu tư cân bằng. 

Theo tính toán, danh mục đầu tư cân bằng có mức lợi nhuận kỳ vọng 10%/năm, tỉ lệ phân bổ tài sản tài chính sẽ như sau: tiền gửi tiết kiệm (25%), trái phiếu (30%), vàng (15%) và cổ phiếu (30%). Tuy nhiên với số vốn còn ít, không đủ phân bổ cho cả vàng, bạn có thể điều chỉnh lại tỉ lệ cho 3 mục còn lại tùy theo khẩu vị rủi ro của bạn. Danh mục đầu tư này nên được đánh giá và điều chỉnh định kỳ dựa theo thực tế tài chính cá nhân của bạn cũng như tình hình thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô,...

Để đầu tư và dễ dàng quản lý danh mục bạn có thể lựa chọn những phần mềm đến từ các công ty tài chính uy tín như Tipo, Finhay, Timo Digital Bank... Đơn cử ứng dụng Tipo, nếu chưa có kinh nghiệm đầu tư trái phiếu và cổ phiếu, bạn có thể mua chứng chỉ quỹ trái phiếu, chứng chỉ quỹ cổ phiếu với số vốn chỉ từ 10.000 đồng. Trong phần mềm này cũng có khá nhiều loại chứng chỉ của các công ty quản lý quỹ uy tín để bạn tham khảo đầu tư như: VinaCapital, Dragon Capital, SSI,...

Ngoài ra, số tiền bạn tiết kiệm hàng tháng cũng sẽ được tiếp tục được đầu tư chia theo danh mục như trên. Thói quen này sẽ giúp bạn xây dựng được lớp tài sản hữu hình vững chắc và dần đạt được các mục tiêu tài chính trong cuộc sống.

Cùng chuyên mục