Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 16/06/2024, 09:00 (GMT+7)

Dấu hiệu viêm cơ tim ở trẻ và cách xử lý

Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, làm tổn thương tế bào cơ tim, giảm sức co bóp cơ tim tỷ lệ tử vong gần 100% trước khi có kỹ thuật ECMO.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận bệnh nhi sốt, đau bụng, nôn ói. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm cơ tim tối cấp.

Bệnh nhi được xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc vận mạch. Tình trạng trẻ diễn tiến xấu nhanh, tim giảm dần, tụt huyết áp, ngưng tim, được cấp cứu tim phổi, hội chẩn các chuyên khoa.

Các bác sĩ can thiệp ECMO trong khi vẫn xoa bóp tim ngoài lồng ngực suốt gần 60 phút để kịp kết nối với máy. Sau kết nối và điều chỉnh thông số thích hợp, tình trạng trẻ vẫn diễn tiến nặng, phức tạp, rối loạn nhịp nhanh thất, sau đó block nhĩ thất.

Screenshot (22)

Các bác sĩ quyết định đặt máy tạo nhịp tim, điều chỉnh rối loạn điện giải, kiềm toan, lọc máu liên tục giải quyết tình trạng tổn thương gan thận, suy đa cơ quan.

Sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi cải thiện dần, huyết áp trở về bình thường, ngưng được vận mạch, cai ECMO, sau đó cai máy thở, tỉnh táo.

Dấu hiệu bệnh

Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra. Trẻ nhỏ từ 2-10 tuổi thường là đối tượng dễ bị viêm cơ tim cấp do sức đề kháng yếu, khiến virus và vi khuẩn có thể dễ dàng vượt qua hàng rào miễn dịch và tấn công cơ tim.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ bị viêm cơ tim cấp thường bị sốt, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân và các đầu ngón tím tái. Trẻ em khi nhiễm siêu vi nguy cơ bị biến chứng viêm cơ tim tối cấp.

"Trẻ khi có các dấu hiệu trên nên nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám, chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Viêm cơ tim tối cấp (hay còn gọi là viêm cơ tim ác tính) là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh khởi phát đột ngột, sốc tim, rối loạn huyết động nặng, rối loạn nhịp tim nặng (cần thuốc vận mạch, đặt máy tạo nhịp tạm thời và hỗ trợ ECMO). Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp nặng còn rất cao (khoảng 30-40%), nhất là trong trường hợp viêm cơ tim tối cấp, tỷ lệ tử vong gần 100% trước khi có kỹ thuật ECMO.

Nhiều người lầm tưởng virus cúm sẽ chỉ gây ho, đau họng, viêm phế quản, viêm phổi,… Nhưng trên thực tế, chúng có thể tấn công thẳng vào cơ tim gây viêm, làm cản trở quá trình bơm máu của tim. Không chỉ gây viêm cơ tim, virus cúm còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho trẻ nếu không điều trị kịp thời.

Screenshot (23)
Không chỉ gây viêm cơ tim, virus cúm còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho trẻ nếu không điều trị kịp thời

Phương pháp chẩn đoán viêm cơ tim ở trẻ

Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp chẩn đoán viêm cơ tim phù hợp và chuẩn xác nhất.

1. X-quang ngực

Viêm cơ tim là bệnh lý khó chẩn đoán do những triệu chứng không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, nhất là ở trẻ nhỏ. Kết hợp các triệu chứng lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh của con, của bố mẹ, bác sĩ thường sẽ cho chụp X-quang ngực.

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất, giúp đánh giá tình trạng của lồng ngực, các cơ quan trong lồng ngực, bao gồm cả tim.

2. Điện tâm đồ

Biện pháp này được sử dụng nhằm giúp phát hiện các bất thường ở tim như: Nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, hỗ trợ chẩn đoán viêm cơ tim.

3. Siêu âm tim

Với kỹ thuật dùng sóng siêu âm để tái tạo được hình ảnh hoạt động của quả tim trong thời gian thực. Thông qua đó, các bác sĩ có thể đánh giá được cấu trúc, chức năng và hoạt động co bóp của tim, góp phần chẩn đoán viêm cơ tim. (3)

4. MRI tim

Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị viêm cơ tim, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim). Với hình ảnh 3 chiều cấu trúc trái tim, bác sĩ có thể đánh giá những bất thường ở tim.

5. Xét nghiệm máu

Việc phân tích mẫu máu của người bệnh có thể giúp đánh giá các dấu hiệu viêm và nhiễm trùng, tìm ra một số nguyên nhân của viêm cơ tim, giúp chẩn đoán và điều trị.

6. Sinh thiết cơ tim

Sinh thiết cơ tim là phương pháp chính xác để chẩn đoán viêm cơ tim nhưng thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp chẩn đoán khác không đủ và bệnh tiến triển nặng.

Điều trị viêm cơ tim ở trẻ em

1. Điều trị nhiễm trùng, bệnh tự miễn

Đối với các bé có bệnh tự miễn, hệ miễn dịch của cơ thể bị mất đi khả năng nhận biết các tác nhân gây hại. Do đó, nhiễm trùng virus rất có thể xảy ra, từ đó dẫn đến nguy cơ viêm cơ tim. Điều trị nhiễm trùng hoặc tình trạng tự miễn dịch sẽ giúp củng cố hàng rào bảo vệ, ngăn chặn phần lớn virus gây bệnh.

2. Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh có thể điều trị khí có các nhiễm vi khuẩn kèm theo (bội nhiễm)… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ là hạn chế và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

3. Thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm có tác dụng ức chế miễn dịch, làm giảm tình trạng viêm. Viêm cơ tim tế bào khổng lồ, viêm cơ tim quá mẫn thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để điều trị. Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc cho bé vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

4. Thuốc lợi tiểu

Viêm cơ tim cấp ở trẻ em dẫn đến suy tim thường được cho dùng thuốc lợi tiểu để giảm triệu chứng. Furosemide, bumetanide là những loại thuốc lợi tiểu thường được sử dụng cho bệnh nhân suy tim có hiện tượng thừa dịch.

5. Globulin miễn dịch

Sức đề kháng của trẻ em còn yếu nên không thể chống lại được hết các tác nhân gây bệnh, bao gồm các vi khuẩn, virus gây nên biến chứng viêm cơ tim. Chính vì vậy, việc tiêm Globulin miễn dịch (IgG) qua đường tĩnh mạch giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, góp phần trong điều trị bệnh.

6. Hỗ trợ thở

Hầu hết những trẻ em được chẩn đoán bị viêm cơ tim đều được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt để xử lý ban đầu. Trường hợp nặng, trẻ bị khó thở, nhịp thở không đều có thể sử dụng đến phương pháp hỗ trợ thở. (4)

7. Thuốc điều trị chứng suy tim

Các nhóm thuốc dùng để điều trị chứng suy tim được dùng nhiều bao gồm: Thuốc kháng aldosterone, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, digoxin, thuốc ức chế xoang, thuốc ức chế chất đồng vận chuyển natri-glucose 2, thuốc giãn mạch,…

8. Thuốc điều trị nhịp tim bất thường

4 nhóm thuốc thường được bác sĩ tim mạch chỉ định nhằm cải thiện tình trạng rối loạn nhịp tim là: Nhóm thuốc chẹn kênh Natri: Tác dụng trực tiếp, mạnh trên hầu hết các tế bào cơ tim; tác dụng gián tiếp làm thay đổi điều hòa tự động tim.

Nhóm thuốc chẹn Beta: Giảm tính tự động, giảm tính chịu kích thích, giảm tốc độ dẫn truyền và giảm lực co bóp của cơ tim. Ức chế co bóp cơ tim. Nhóm thuốc chẹn kênh Calci: Giúp giãn mạch và giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.

Nhóm thuốc chẹn kênh Kali: Chống loạn nhịp tim bằng cách kéo dài thời gian của điện thế hoạt động tế bào, kéo dài thời gian trơ của các mô có kênh ion chậm và nhanh.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục