Kinh doanh hàng giả sẽ bị xử phạt thế nào?
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Đà Nẵng đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn hàng trăm sản phẩm giả sắp được tuồn ra thị trường. Vậy, mức xử phạt thế nào đối với hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.
Ngăn chặn kịp thời hàng trăm sản phẩm giả
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, ngày 29/11/2024 Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra đột xuất đối với 2 cửa hàng kinh doanh giày dép trên địa bàn quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Qua kiểm tra, đội QLTT số 3 đã phát hiện hộ kinh doanh D.X và V.T.T.T là chủ của cửa hàng bán các sản phẩm dép dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CROCS đang được bảo hộ tại Việt Nam. Sau quá trình xác minh và làm việc, đội QLTT số 3 cũng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ cở kinh doanh này với tổng số tiền xử phạt là 55 triệu đồng về hành vi vi phạm trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 cũng đã tiến hành tạm giữ 271 đôi dép có dấu hiệu vi phạm và phối hợp với chủ thể quyền để xác định tính hợp pháp của hàng hóa.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết, Cục QLTT đã và đang đẩy mạnh các cuộc kiểm tra đột xuất nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại gia tăng.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 3 tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường công tác đấu tranh chống buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời nắm các tình hình kinh doanh hàng hóa trên địa bàn để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Phát hiện bán hàng giả sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật về số lượng hoặc giá trị thu lợi bất hợp pháp từ hàng giả thì người bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật về số lượng hoặc giá trị thu lợi bất hợp pháp từ hàng giả thì người bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả, tùy thuộc và số lượng bán ra thì người bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, việc buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề,... và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hay buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường,...
Về xử lý hình sự
Căn cứ vào các Điều 192, 193, 194 và 195 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) người thực hiện hành vi bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình về một trong các tội sau (tùy thuộc vào mặt hàng giả đã bán):
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), với mức phạt cơ bản là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm mức và mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), với mức phạt cơ bản là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm và mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Như vậy, tùy thuộc vào mặt hàng và mức độ vi phạm, hành vi bán hàng giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứ trách nhiệm hình sự. Đặc biệt đối với hành vi bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, người bán hàng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là tử hình nếu có tình tiết tăng nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
- Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, cơ sở sản xuất có đối mặt án phạt hình sự?
- Cục Quản lý thị trường TP.HCM mạnh tay truy quét hàng giả, hàng nhái trên TikTok, Facebook
- Tháng 'Tự hào hàng Việt' lớn nhất năm đã bắt đầu, người tiêu dùng có thể 'săn' những mặt hàng giảm giá nào?