Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 09/07/2024, 00:48 (GMT+7)

Cô gái 18 tuổi tử vong vì bệnh bạch hầu: Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh nguy hiểm này?

Mới đây, tỉnh Nghệ An ghi nhận một nữ bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Vậy căn bệnh này nguy hiểm như thế nào? Những ai có nguy cơ cao mắc căn bệnh này?

An ninh thủ đô thông tin theo báo cáo của CDC Bắc Giang, ngày 7/7, cô gái M.T.B, 18 tuổi, ở xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu (đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Trước đó, qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định có 2 trường hợp tiếp xúc gần đang tạm trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là chị M.T.B. và M.T.S. Ngay sau khi nhận được thông báo, CDC Bắc Giang phối hợp Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa tiến hành giám sát, điều tra các trường hợp tiếp xúc gần, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm.

Từ ngày 25 đến 28/6, hai cô gái kể trên về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với ca bệnh tử vong. Đến ngày 1/7, cả hai bắt xe từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), làm việc tại một quán karaoke ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh.

Đến ngày 5/7, khi biết thông tin bạn cùng phòng tử vong do bạch hầu, đồng thời có biểu hiện đau họng, cả hai chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống. Sau đó, M.T.B. có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Hiện S. và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, được cơ quan chuyên môn thu dung và đưa vào khu vực cách ly. 

Bệnh bạch hầu là gì?

Gia đình Việt Nam thông tin, theo các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae là nguyên nhân gây bệnh bạch hầu.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius. Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh cơ thể, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần.

Một đặc điểm khác của vi khuẩn bạch hầu là sự nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.

benh-bach-hau
Ảnh minh họa

Thời gian ủ bệnh bạch hầu thường từ 2 đến 5 ngày hoặc có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền bệnh thường không cố định, có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít nhất là trên 4 tuần.

Người bệnh đã có thể đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, hoặc cũng có thể từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3 - 4 tuần; hiếm có trường hợp mang vi khuẩn mạn tính kéo dài trên 6 tháng.

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Đây là hình thức lây bệnh phổ biến. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. 

Người nào có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu?

Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh, các chuyên gia cho biết. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác:

- Trẻ lớn và người lớn tiếp xúc với bệnh nhân mắc/nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu hoặc sống tại các khu vực nguy cơ cao.

- Trẻ em và người lớn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo lịch hoặc tiêm phòng bạch hầu chưa đầy đủ.

- Trẻ từ 0 – 2 tuổi: tiêm 4 mũi 5-trong-1 hoặc 6-trong-1 giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm trong đó có bạch hầu.

- Trẻ từ 4 – 6 tuổi: tiêm 1 mũi tiêm nhắc tiền học đường.

- Trẻ từ 9 – 17 tuổi: tiêm 1 mũi tiêm nhắc tuổi thanh thiếu niên

- Người lớn: tiêm nhắc lại mỗi 10 năm sau đó để duy trì hệ miễn dịch, bảo vệ tối ưu.

- Người đi du lịch đến vùng dịch tễ.Những người sống trong điều kiện đông đúc, mất vệ sinh.

- Trẻ em dưới 15 tuổi chưa có miễn dịch.

- Trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng – 1 tuổi. Nếu không được tiêm vắc xin, trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao.

- Những người suy giảm miễn dịch rất dễ mắc bệnh và có tỷ lệ tái nhiễm bệnh.

benh-bach-hau-nguy-hiem-t
Ảnh minh họa

Biểu hiện của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu có biểu hiện từ nhẹ đến nặng, ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng nhẹ, ho. Tuy nhiên, bệnh tiến triển rất nhanh khiến người nhiễm bệnh khó thở, đau họng tăng dẫn tới chán ăn, sổ mũi, hơi thở có mùi.

Khi bệnh nặng thêm, bên trong cổ họng và amidan người bệnh xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Lớp màu trắng mọc thành từng mảng lớn, dai và dính, khi bóc màng ra gây chảy máu, khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, hôn mê. Nếu không được điều trị kịp thời và tích cực, người bệnh có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.

Ngoài ra, trong một vài trường hợp, nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thể chỉ gây bệnh nhẹ – hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng.

Người nhiễm bệnh không có triệu chứng, không được phát hiện được coi như là người mang mầm bệnh, họ có thể truyền bệnh cho người khác mà bản thân họ không biết mình chính là người mang bệnh bạch hầu.

Biến chứng của bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, biến chứng hay gặp nhất ở bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể chậm vài tuần sau khi người bệnh khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao. 

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và sẽ hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì những biến chứng khác.

Bên cạnh đó, người bệnh còn gặp phải tình trạng liệt màn khẩu cái (màn hầu), biến chứng này thường xuất hiện vào tuần 3 của bệnh; hoặc liệt các dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và cơ hoành có thể xuất hiện vào tuần thứ 5 của bệnh. Ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi có thể gặp các biến chứng như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp.

Với phụ nữ mang thai, bệnh có thể xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc giai đoạn sau sinh. Tỷ lệ tử vong của bệnh đối với thai phụ là khoảng 50%; 1/3 trường hợp sống sót có thể bị sảy thai hoặc sinh non.

bach-hau-6555
Bệnh bạch hầu có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin.

Có thuốc chữa bệnh bạch hầu không? Có vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu không?

Bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên người bệnh có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.

Vắc xin phòng bạch hầu hiện có trong tất cả các vắc xin phối hợp như vắc xin phối hợp 3 trong 1; vắc xin phối hợp 4 trong 1; vắc xin phối hợp 5 trong 1; vắc xin phối hợp 6 trong 1.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.

- Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo không gian nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Với những người có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Cùng chuyên mục