Chuyên gia chỉ ra kỹ năng xử lý khi học sinh bị đánh hội đồng
Trang bị những kiến thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân trong trường hợp bị đánh hội đồng là điều vô cùng cần thiết khi tâm lý học sinh ngày càng dễ bị kích động hơn.
Dù không mong muốn nhưng những vụ việc học sinh bị đánh hội đồng vẫn xảy ra trong đời sống học đường hiện nay. Hậu quả của việc bị đánh hội đồng rất nặng nề cả về sức khỏe và tinh thần. Nếu con bạn không may trở thành nạn nhân của bạo lực hội đồng, chúng nên làm gì để hạn chế thấp nhất hậu quả có thể xảy ra? Trung tá Đào Trung Hiếu sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích cho việc này.
Tìm sự trợ giúp từ người khác
Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết, nạn nhân của những trận đòn hội đồng thường hoảng loạn ngay lập tức khi bị bạo lực. Sự hoảng loạn này sẽ khiến các em chỉ còn cách đứng yên chịu trận và hứng trọn cơn "mưa đòn".
Nếu biết trước mình sẽ bị đánh hội đồng, các em cần chủ động thông báo với ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm hoặc gọi điện cho người nhà... Nếu có thầy cô giáo, người thân bên cạnh, các em có thể chủ động gặp đối phương để nói chuyện, nhằm ngăn chặn sự việc xảy ra.
Điều quan trọng mà các em cần nhớ là hãy luôn đi cùng bạn bè lúc tan học hay khi ra chơi, tuyệt đối không đi một mình bởi nhiều người bao giờ cũng an toàn hơn. Và tuyệt đối không đi nói chuyện theo yêu cầu của đối phương.
Tránh kẻ bắt nạt khi chỉ có một mình
Trong hoàn cảnh mình yếu thế hơn, hãy cố gắng tránh gặp kẻ bắt nạt, nhưng đừng tỏ cho họ thấy điều này. Càng thấy các em sợ hãi thì những kẻ bắt nạt sẽ càng lấn tới.
Trung tá Đào Trung Hiếu cũng gợi ý các em nên đi đường khác để những kẻ bắt nạt không nhìn thấy, không thể bắt nạt các em.
Cách đối phó với kẻ bắt nạt
Trong tình huống buộc phải đối mặt với kẻ bắt nạt và không có sự trợ giúp từ bên ngoài, các em hãy thể hiện mình là người không dễ bắt nạt; thái độ quyết liệt từ cử chỉ đến cách nói cũng có thể làm đối phương chùn bước.
Trường hợp bị vây đánh, các em không nên đứng chịu trận mà hãy chống trả. Tìm cơ hội bỏ chạy đến nơi an toàn như phòng giáo viên hoặc ban giám hiệu nếu bị đánh trong trường; tìm đến trụ sở cơ quan công an, các tổ cảnh sát giao thông hoặc nhà dân… nếu bị đánh trên đường.
Khi trốn chạy, các em cũng nên hô hoán thật to, kêu cứu để thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Nếu bỏ chạy vào nhà dân, người bị đánh nên chạy vào phòng có cửa an toàn, đóng lại, trình bày với chủ nhà và xin sự giúp đỡ; lập tức gọi điện báo Cảnh sát 113 và người nhà, thầy cô giáo…
Đang điều khiển xe mà bị bao vậy thì cần làm gì?
Nếu đang đi trên đường bằng xe đạp, xe máy mà bị một nhóm đối tượng đuổi theo, chặn lại gây sự, các em cần nhanh chóng xuống xe, khóa cổ và cầm theo chìa khóa (với xe máy) rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa hô hoán.
Các em tuyệt đối không hỏi han, đôi co, cãi vã. Nếu đã bị vây kín, không nên đứng giữa vòng vây mà hãy tựa lưng vào tường, cột điện, cây cối, để tránh bị đánh lén từ phía sau. Trung tá cũng gợi ý các em trong trường hợp cần thiết có thể chống trả lại người yếu nhất rồi quan sát thật nhanh để mở đường bỏ chạy.
Bị đánh không chạy được thì cần làm gì?
Nếu không thể chạy được, các em cần nhớ bảo vệ các vị trí hiểm trên cơ thể như: mắt, đầu, bộ hạ, thái dương, gáy, bụng… bằng cách liên tục di chuyển, không nên đứng im một chỗ. Hãy la hét, kêu cứu thật to để thu hút sự trợ giúp của người khác.
Trung tá chia sẻ, nạn nhân được quyền phòng vệ chính đáng, được phép chống trả một cách cần thiết để ngăn chặn hành vi tấn công, tự bảo vệ mình. Nếu vơ được cành cây, gậy, gạch, đá… làm vũ khí thì được phép tự vệ, đánh lại đối tượng đang tấn công mình. Khi đối tượng dính đòn, hãy tận dụng cơ hội để bỏ chạy ngay khi có thể, vừa chạy vừa hô hoán để thu hút sự tò mò của người dân, khiến kẻ gây sự ngại mà bỏ đi.