Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 11/07/2024, 09:27 (GMT+7)

Chủ kênh TikTok Mẹ Bé Xanh bị phạt vì thông tin sai sự thật về gạc răng miệng làm trẻ sơ sinh biếng ăn

Chủ kênh TikTok Mẹ Bé Xanh bị xử phạt hành chính vì thông tin sai sự thật cho rằng sản phẩm gạc răng miệng Dr.Papie chứa Baking Soda, có thể khiến trẻ sơ sinh biếng ăn.

Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) vừa ban hành quyết định xử phạt chủ tài khoản kênh TikTok Mẹ Bé Xanh về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, theo Thương Trường.

Cụ thể, bà H.T.T.H., chủ tài khoản kênh TikTok Mẹ Bé Xanh bị xử phạt hành chính về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2024, bà H.T.T.H. đã đăng tải một video với tiêu đề "Sự thật 4 loại rơ lưỡi con đang dùng, sẽ khiến mẹ bất ngờ" trên kênh TikTok Mẹ Bé Xanh. Video trên chứa đựng thông tin cho rằng sản phẩm “Gạc răng miệng Dr.Papie” có chứa Baking Soda (NaHCO3) gây hại tới sức khỏe trẻ sơ sinh, có thể gây xói mòn men răng và biếng ăn, khuyến cáo không nên dùng liên tiếp trong một tuần. Clip này nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt xem, chia sẻ và nhiều bình luận tiêu cực, gây hoang mang dư luận.

Dr.Papie-phan-hoi-thong-tin-sai-su-that-2
Kênh Tik Tok “Mẹ Bé Xanh” cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật về Gạc răng miệng Dr.Papie. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, sau khi làm rõ với Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm STARMED, chủ sở hữu nhãn hàng Dr.Papie, cơ quan chức năng xác định thông tin này hoàn toàn sai sự thật, chưa được kiểm chứng và mang tính xuyên tạc. Đại diện nhãn hàng đã cung cấp đầy đủ thông tin khoa học và bằng chứng cụ thể, khẳng định sản phẩm Gạc răng miệng Dr.Papie là trang thiết bị y tế loại A, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành với các thành phần được nghiên cứu lâm sàng cẩn trọng, tất cả đều trong ngưỡng sử dụng cho phép và không gây bất cứ tác động có hại nào cho sức khỏe trẻ sơ sinh.

Đáng chú ý, phía Tập đoàn STARMED đã nhiều lần liên hệ với chủ tài khoản TikTok Mẹ Bé Xanh để làm việc nhưng bà H.T.T.H. không hợp tác, thoái thác trách nhiệm và từ chối đính chính thông tin sai sự thật. Trước sự việc này, Tập đoàn STARMED đã ủy quyền cho luật sư trình báo cơ quan chức năng về hành vi của chủ tài khoản TikTok Mẹ Bé Xanh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và uy tín của nhãn hàng.

Sau đó, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Thường Tín vào cuộc điều tra, xác minh. Sau khi làm việc với các bên liên quan và thu thập đầy đủ bằng chứng, cơ quan chức năng đã kết luận bà H.T.T.H. vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an thông tin, về quy định xử lý hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật Nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Cùng chuyên mục