Thứ hai, 23/12/2024, 06:48 (GMT+7)

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 12/2024: 'Siết chặt' livestream bán hàng trên Facebook

Hàng loạt chính sách mới có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân như việc sử dụng mạng xã hội, quy định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng… bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12/2024.

Chỉ được livestream bán hàng trên Facebook khi đã xác thực bằng số định danh

Quy định này được nêu tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, chính thức có hiệu lực từ 25/12/2024.

Theo đó, theo khoản 30, Điều 3 Nghị định số 147/2024/NĐ-CP giải thích, phát trực tuyến hay chính là hình thức phát livestream là tính năng cho phép các tài khoản mạng xã hội hoặc nền tảng số khác trong đó có Facebook thực hiện truyền tải nội dung dưới dạng âm thanh, hình ảnh theo thời gian thực.

livestream
Chỉ được livestream bán hàng trên Facebook khi đã xác thực bằng số định danh. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, điểm e, khoản 3, Điều 23 Nghị định này cũng nêu rõ, khi livestream bán hàng trên Facebook  thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân, đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng bài, bình luận và livestream cũng như chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Ngoài ra, một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 147/2024/NĐ-CP là quy định về việc xác thực tài khoản người chơi game bằng số điện thoại, không xác thực sẽ không được chơi. Doanh nghiệp cung cấp game phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin của người chơi tại Việt Nam bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số điện thoại di động tại Việt Nam. Thực hiện việc xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi.

Đối với trường hợp người chơi dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập; thực hiện xóa thông tin của người chơi sau khi hết hạn thời gian lưu trữ theo quy định.

Nghị định cũng đã quy định các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (hay thường gọi là game), bất kể là game online hay game offline, thì đều phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 0 giờ đến 24 giờ) của người chơi. Đồng thời, quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 0 giờ đến 24 giờ) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp.

3 hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Một chính sách mới nữa có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, đó là Thông tư số 76/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có đề cập đến hình thức công bố thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Cụ thể, Điều 6 Thông tư 76 nêu rõ, tối thiểu một trong các hình thức doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu gồm: Văn bản giấy; văn bản điện tử cho Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tại chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phát hành.

Áp dụng nhiều quy định mới về khuyến mại

Nghị định số 128/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung hoạt động xúc tiến thương mại tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại. Đây là một trong những chính sách mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12/2024.

Theo đó, quy định về chương trình khuyến mại tập trung tại khoản 4, Điều 6 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c, khoản 1, Điều 1 Nghị định số 128/2024/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định về khoảng thời gian xác định, hình thức của chương trình khuyến mại tập trung như sau: Chương trình khuyến mại tập trung áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại là 100%. Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong khi đó, quy định cũ nêu rõ, chương trình khuyến mại tập trung gồm giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại (quy định mới đã bỏ nội dung này mà chỉ nêu chung là chương trình khuyến mại tập trung. Chương trình khuyến mại tập trung là chương trình do cơ quan Nhà nước (cấp Trung ương và cấp tỉnh) ban hành quyết định tổ chức nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của quốc gia, địa phương.

Hiện hành, quy định cũ đang nêu đây là chương trình do cơ quan Nhà nước chủ trì tổ chức trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại.

Chính thức tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1/12/2024.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2024, thì tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan sẽ được điều chỉnh tăng theo từng cấp bậc quân hàm.

So với quy định trước đây tại Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999, sửa đổi 2008, sửa đổi 2014, thì quy định mới về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan đã sửa đổi, bổ sung. Về tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (tuổi nghỉ hưu) với sĩ quan theo bậc quân hàm, luật vừa được thông qua quy định tăng từ 1 - 5 tuổi so với luật hiện hành.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của cấp úy là 50 tuổi (tăng 4 tuổi); Thiếu tá là 52 (tăng 4 tuổi); Trung tá là 54 (tăng 3 tuổi); Thượng tá là 56 (tăng 2 tuổi); Đại tá là 58 (tăng 1 tuổi đối với nam và 3 tuổi đối với nữ). Riêng cấp tướng vẫn giữ nguyên tuổi phục vụ là 60 đối với nam và tăng lên 5 tuổi đối với nữ, tức từ 55 lên 60, bằng với sĩ quan nam.

Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện, có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Quốc phòng.

2 trường hợp máy bay trong vùng trời Việt Nam bị ép hạ cánh

Chính sách mới này được Chính phủ đề cập đến tại Nghị định số 139/2024/NĐ-CP về thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay, có hiệu lực thi hành từ 9/12/2024.

Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định số 139/2024/NĐ-CP quy định về việc tàu bay bị bay chặn, bay kèm như sau: Tàu bay bị bay chặn khi có hành động vi phạm vùng trời Việt Nam. Tàu bay bị bay kèm khi có hành động vi phạm phép bay.

Trong khi đó, Điều 5 Nghị định này cũng nêu rõ, 2 trường hợp máy bay bị bay ép hạ cánh khi bay trong vùng trời Việt Nam tại các cảng hàng không, sân bay gồm: Tàu bay đang bay trong vùng trời Việt Nam bị can thiệp bất hợp pháp; tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam bị bay chặn, bay kèm nhưng không chấp hành hành động của tàu bay Quân đội Việt Nam đang thực hiện bay chặn, bay kèm.

Sửa đổi 4 Thông tư quy định về phòng cháy chữa cháy

Cụ thể, Thông tư số 55/2024/TT-BCA của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Thông tư về phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực từ ngày 16/12/2024.

Theo đó, các Thông tư được sửa đổi, bổ sung gồm:

Thông tư số 141/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 quy định công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân;

Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

Thông tư số 82/2021/TT-BCA ngày 6/8/2021 về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Thông tư số 06/2022/TT-BCA ngày 17/1/2022 quy định quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân.

Trong đó, đáng chú ý có thể kể đến ngoài danh mục phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng cơ sở, chuyên ngành, Thông tư số 55/2024/TT-BCA còn quy định, có thể bổ sung thêm trang bị cho lực lượng này các loại phương tiện cần thiết khác căn cứ vào tính chất, mức độ phức tạp về cháy, nổ tại cơ sở và khả năng bảo đảm kinh phí.

Sửa đổi biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi

Cũng có hiệu lực từ ngày 16/12/2024, Nghị định số 144/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, mục I, phụ lục II kèm theo Nghị định số 144/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số mặt hàng được sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi nêu tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP gồm: Loại khác (mã hàng 2304.00.90) thuộc khô dầu và phế liệu rắn khác, đã hoặc chưa xay hoặc ở dạng viên, thu được từ quá trình chiết xuất dầu đậu tương giảm mức thuế suất từ 2% xuống 1%.

Thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử và các thiết bị điện hóa hơi cá nhân tương tự (mã hàng 8543.40.00) giảm mức thuế từ 50% xuống 0%...

Cùng chuyên mục