Cách làm mứt dừa non, mứt dừa hoa cúc cho Tết thêm sắc màu
Mứt dừa có lẽ là món ăn vặt không còn xa lạ gì với mọi người. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết, hãy cùng Tiếp thị và Gia đình học cách làm mứt dừa ngon và bắt mắt cho dịp Tết năm nay nhé.
Mứt dừa có tốt cho sức khỏe không?
Không chỉ là một món ăn vặt thơm béo, mứt dừa còn là một bài thuốc dân gian.
- Mứt dừa có công dụng trong việc chữa đau vùng thượng vị. Dầu dừa trong mứt là chất béo dễ tiêu hóa giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch.
- Mứt dừa có tác dụng nhuận tràng, là vị thuốc chống táo bón trong những ngày Tết do ăn nhiều chất đạm.
- Mứt dừa có tác dụng vô cùng hiệu quả trong việc chữa trị viêm loét dạ dầy, ruột, tuy nhiên cũng như các loại mứt khác, cần hạn chế với người có nguy cơ bị bệnh tim mạch huyết áp cao, người mập phì.
- Ngoài ra, món mứt cổ truyền thơm ngậy này còn hỗ trợ tích cực trong việc giải nhiệt cơ thể và chữa trị bỏng, mụn nhọt nữa đấy.
Cách làm mứt dừa.
Cách 1. Cách làm mứt dừa truyền thống.
Bước 1. Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1kg cùi dừa
- 400 đến 500gr đường phèn.
Bước 2. Sơ chế nguyên liệu:
- Dừa mua về bạn đem rửa sạch.
- Tiếp theo vắt vài lát chanh vào rửa cùng để dừa được trắng sạch. Và tiếp tục rửa bằng nước sạch tầm 3-4 nước, để dừa bớt dầu.
- Sau đó dùng dao thớt sạch, cắt dừa theo kích thước yêu thích. Bạn có thể thái sợi hoặc thái miếng nhé.
- Cắt xong, mình tiếp tục rửa dừa với nước sạch tầm 4-5 nước.
- Cần rửa kỹ để dừa được sạch dầu, khi sên sẽ ngon và bảo quản dễ hơn.
- Cuối cùng là đun sôi nước, và trụng tất cả tầm 2 phút, đảo đều và vớt ra để ráo
Bước 3. Ướp mứt dừa:
- Cho dừa trộn với đường. Cứ 1 lớp dừa 1 lớp đường nhé .
- Dùng màn bọc thực phẩm bọc thau dừa đã ướp lại, cho vào tủ lạnh từ 4 tiếng trở lên cho đường tan hết và thấm đều.
- Bạn cũng có thể để dừa qua đêm để đường được tan và thấm đều nhất nha.
Bước 4. Sên mứt dừa:
- Cho dừa đã ngấm đường vào nồi. Lúc đầu sên với lửa vừa.
- Khi nước bắt đầu cạn tới đáy chảo là đảo đều tay hơn, lúc này đường bắt đầu kết tinh, giảm nhiệt lại tầm 300-350 độ.
- Sên đều tay đến khi thấy đường kết tinh quanh miếng dừa. Đảo đều tay để miếng mứt dừa được áo đều tránh bị cháy.
- Lúc này bạn tắt bếp và đảo đều thêm tầm 5-7 phút là được
Bước 5. Sấy mứt dừa:
- Sau khi sên xong, bạn đổ ra mâm trải đều cho thoáng
- Bạn bỏ vào lò nướng quay 150 độ trong 10 phút cho dừa khô thêm,
- Bạn cũng có thể hong gió dưới quạt thêm vài chục phút để cảm giác thật là khô mới cho vào túi/ hũ cất.
- Nếu có thể phơi nắng thì nên phơi nắng cũng ok nhé.
Bước 6. Thưởng thức:
Mứt dừa bánh tẻ luôn là loại mứt được lòng khách đến chơi nhà đó nha.
Cách 2. Cách làm mứt dừa non miếng.
Bước 1. Chuẩn bị nguyên liệu:
- Cùi dừa bánh tẻ non
- Đường cát trắng
- Dụng cụ: nồi inox, chảo nhôm dày, chảo chống dính, cái xúc cán dài, đũa dài, dao thật sắc để thái dừa, thớt sạch...
Bước 2. Sơ chế nguyên liệu:
- Dừa mua về rửa sạch, lựa thái miếng dài tầm 10cm - 12cm, bản dày 1/2cm
- Dừa mỏng quá thì thái bản to vuông 1 chút, dừa dày cùi thì thái bản mảnh hơn.
- Cố gắng lựa cách thái sao cho miếng dừa thẳng ko bị quăn để khi sên ko bị gấp lại dễ bị ướt.
- Nấu nồi nước sôi cho dừa vào chần sơ, có thể vắt ít nước cốt chanh vào, đổ dừa ra rửa 3 - 4 nước cho sạch dầu dừa.
- Để dừa ráo nước.
Bước 3. Ướp đường:
- Sau khi dừa ráo nước bạn đem ướp với đường.
- Tỉ lệ 1kg cùi dừa : 500gr đường.
- Bạn cũng có thể gia giảm tùy theo sở thích nhưng cũng không nên cho nhiều đường quá nhé.
- Ướp dừa tầm 6-8 tiếng trong tủ lạnh để đường nhanh tan nhé.
Bước 4. Sên mứt dừa:
* Sên dừa lần 1:
- Sau khi tan đường, cho nồi dừa lên bếp (nếu cảm thấy lượng nước chưa đủ hãy cho thêm chút nước lọc vào).
- Đun dừa với lửa to bình thường, nhớ đảo ngay lúc đầu ko là chỗ hạt đường dính ở đáy chưa tan dễ bén và bị cháy.
- Sau khi dừa sôi 1 lúc thì tắt bếp, mở vung cho nguội rồi đậy lại bằng rổ thưa hay đậy vung mở hé ra.
- Để im nồi dừa như vậy ít nhất 2 -3h hoặc qua đêm nếu bạn làm buổi tối, đun dừa để nguội như vậy là dừa đã được đun chín, có thời gian ngậm đủ đường. Sau khi sên xong dừa rất mềm và hạn chế chảy nước.
* Sên dừa lần 2:
- Sau khi dừa nghỉ đủ, chúng ta cho dừa lên bếp đun với lửa bình thường, thi thoảng đảo cho đỡ bén.
- Cảm thấy nước cạn dần, dừa mềm mềm thì hạ lửa vừa đủ để đun, lúc này đường có vẻ keo nên chú ý đảo nhiều hơn.
- Thấy nước dừa cạn hơn thì hạ lửa nhỏ, nhớ chú ý đảo đều.
- Đảo dừa lửa nhỏ cho đến khi mứt lên nhiều hạt đường lấm tấm, khô ráo hẳn nước thì nhấc ra ngoài đi găng tay bật quạt chĩa thẳng vào nồi dừa, cứ như vậy đảo xốc lên cho đường bông ra.
- Càng đảo đường càng bông hết ra ngoài, đến khi nào thấy đường bông ra hết, đường bột ko còn ẩm nữa thì cho mứt ra khay để nguội.
Bước 5. Thưởng thức:
Mứt dừa non béo ngậy thưởng thức cùng chén trà thật không còn gì tuyệt vời bằng.
Cách 3. Cách làm mứt dừa bóng đêm/mứt dừa cacao.
Bước 1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Dừa bánh tẻ hoặc dừa non đều được: 500gr.
- Đường kính trắng: 500gr.
- Ngôi sao của món: bột ca cao.
Bước 2. Sơ chế nguyên liệu:
- Dừa mua về rửa sạch, lựa thái miếng dài tầm 10cm - 12cm, bản dày 1/2cm
- Dừa mỏng quá thì thái bản to vuông 1 chút, dừa dày cùi thì thái bản mảnh hơn.
- Cố gắng lựa cách thái sao cho miếng dừa thẳng ko bị quăn để khi sên ko bị gấp lại dễ bị ướt.
- Nấu nồi nước sôi cho dừa vào chần sơ, có thể vắt ít nước cốt chanh vào, đổ dừa ra rửa 3 - 4 nước cho sạch dầu dừa.
- Để dừa ráo nước.
Bước 3. Ướp mứt dừa:
- Sau khi dừa ráo nước bạn đem ướp với đường.
- Tỉ lệ 1kg cùi dừa : 500gr đường.
- Lúc này bạn cho thêm bột cacao vào trộn đều nhé.
- Ướp dừa tầm 6-8 tiếng trong tủ lạnh để đường nhanh tan nhé.
Bước 4. Sên mứt dừa:
- Sên với lửa to hoặc vừa đến khi thấy nước đường sền sệt thì vặn lửa nhỏ nhất rồi 2 phút đảo 1 lần.
- Đến khi thấy nặng tay thì đảo liên tục cho đường khô và kết tinh lại quanh sợi dừa là hoàn thành.
Bước 5. Thưởng thức:
“Mứt dừa bóng đêm” thích hợp cho ai thích hương vị cacao.
Cách 4. Cách làm mứt dừa ngũ sắc.
Bước 1. Chuẩn bị nguyên liệu:
- 2kg cùi dừa non
- 1 muỗng canh muối
- 1/2 quả chanh.
- Chia dừa non làm 5 phần bằng nhau!
- 100ml sữa tươi hoặc 100ml sữa đặc nếu thích ngọt hơn (dùng sữa tươi thì sợi dừa sẽ trắng hơn!)
- 1 ống vani bột cho thơm(nếu có)
- 2 muỗng canh thịt gấc
- 100ml nước cốt lá dứa đặc( xay 60gr lá dứa tươi với 200ml nước)
- 75ml nước lá cẩm tím (Nấu 50gr lá cẩm tím tươi với 400ml nước)
- 1 muỗng cà phê bột dành dành pha với 50ml nước nóng
Bước 2. Sơ chế nguyên liệu:
- Cùi dừa non sau khi tách, gọt hết nhám đen bên ngoài, rửa sạch, để ráo. Dùng dao thái cùi dừa thành sợi dày vừa phải.
- Chuẩn bị 1 thau nước cho 1 muỗng canh muối +nước cốt /2 quả chanh và bỏ dừa sợi vào ngâm 30 phút để cho dừa sạch và khi sên mứt dừa non màu trắng cũng tắng hơn!
- Dừa sau khi đã thái sợi, ngâm xong 30 phút rửa khoảng 10 lần nước cho hết dầu hoặc rửa cho đến khi nước trong là được. Nếu có thể, bạn nên rửa dừa bằng nước nóng khoảng 50 – 60°C nhiều lần cho nhanh hết dầu. Hoặc chần qua nước sôi khoảng 3 phút, sau đó vớt ra rửa sạch với nước lạnh, rửa khi nào nước trong là dừa được.
- Khâu này rửa dừa sạch kĩ dầu thì khi sên mứt xong sẽ hạn chế bị chảy nước. Vớt dừa ra để ráo nước.
Bước 3. Tạo màu mứt dừa:
- Khi sợi dừa khô ráo nước, bắt đầu ướp dừa với đường và tạo màu.
- Dừa non màu trắng: 400gr cùi dừa non ướp với 200gr đường cát trắng, ướp khoảng 5 – 8 giờ hoặc ướp qua đêm để đường chảy ra, thấm vào dừa hoặc khi sợi dừa chuyển từ đục sang trong là sên được.
- Dừa non màu cam(màu gấc): 400gr cùi dừa non ướp cùng 220gr đường cát trắng+2 muỗng canh thịt gấc. Uớp khoảng 5 – 8 giờ hoặc ướp qua đêm để đường chảy ra, thấm vào dừa.
- Dừa non mà xanh(lá dứa): 400gr cùi dừa non ướp với 200gr đường cát trắng, 75ml nước cốt đặc lá dứa. Ướp khoảng 5 – 8 giờ hoặc ướp qua đêm để đường chảy ra, thấm vào dừa.
- Dừa non màu tím( lá cẩm tím): 400gr cùi dừa non ướp với 200gr đường cát trắng, 75ml nước lá cẩm tím. Ướp khoảng 5 – 8 giờ hoặc ướp qua đêm để đường chảy ra, thấm vào dừa.
- Dừa non màu vàng( bột dành dành): 400gr cùi dừa non ướp với 200gr đường cát trắng, 50ml nước lá cẩm tím. Ướp khoảng 5 – 8 giờ hoặc ướp qua đêm để đường chảy ra, thấm vào dừa.
- Trong khi ướp dừa các loại thỉnh thoảng đảo dừa cho đường nhanh tan và màu thấm đều!
Bước 4. Sên mứt dừa:
- Cùi dừa non đã ướp đường được 5 -8 tiếng thì bắc 1 chiếc chảo chống dính đế dày lên bếp để tiến hành sên từng loại. Sên hết loại này rồi đến loại kia nhé!
- Sên màu trắng:
- Cho hết nước đường và cùi dừa non vào nấu lửa to. Lúc đầu cho vào không khuấy đảo dừa.
- Nấu dừa cho đến khi sôi cạn bớt nước thì hạ nhỏ lửa dần mức trung bình. Lúc này có thể khuấy đảo dừa.
- Dừa cạn sệt dần thì hạ nhỏ lửa cho vào 20ml sữa tươi hoặc thích ngọt hơn cho vào 20ml sữa đặc+1 ống vani bột cho thơm(nếu có).
- Đảo đều đến khi dừa quyện đường, bắt đầu đảo thấy nặng tay thì hạ nhỏ lửa nhất(ko mở lửa to dừa dễ cháy), đảo dừa liên tục đến khi dừa kết tinh đường, có phấn trắng bám quanh dừa thì tắt bếp. Vẫn tiếp tục đảo dừa thêm vài phút trên bếp cho dừa khô ráo hẳn.
- Cho dừa ra ngoài vào khay dàn mỏng hong trước quạt cho nhanh khô, hạn chế dừa ra nước.
- Cứ tiếp tục như vậy sên các màu còn lại giống sên màu trắng nhé!
- Riêng màu xanh lá dứa khi sên cạn nước đường sệt thì cho hết 25ml nước cốt đặc lá dứa còn lại vào để có màu xanh đậm hơn! Vì màu lá dứa dễ bị bay màu khi đun lâu và nhiệt cao! Cho thêm màu vào lúc dừa gần được vậy thì màu sẽ giữ tươi hơn!
Bước 5. Thưởng thức:
Mứt dừa thơm ngon nhiều màu sắc kích thích cả vị giác lẫn thị giác.
Cách 5. Cách làm mứt dừa hoa cúc.
Bước 1. Chuẩn bị nguyên liệu:
- 4 quả dừa
- Đường cát trắng
- Về phần tạo màu cho mứt thì sử dụng: đậu biếc khô hoặc tươi (cho màu xanh dương), quả dành dành khô hoặc bột dành dành (cho màu vàng), bột trà xanh (cho màu xanh lá), bột men gạo đỏ (cho màu đỏ trầm), bột củ dền... độ đậm nhạt tuỳ vào việc bạn pha nước màu nhiều hay ít nha.
Bước 2. Sơ chế nguyên liệu:
- Gọt bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài rồi nạo 2 sợi dài. 2 quả còn lại cắt miếng thành hình chữ nhật và tỉa thật mảnh để làm hoa cúc.
- Ngâm chúng với một ít muối và chanh. Sau 30 phút, rửa sạch và trần qua nước sôi. Tiếp tục ngâm trong nước lạnh 1 giờ. Sau đó rửa kỹ cho đến khi nước trong. Để ráo và ngâm đường.
Bước 3. Ướp đường:
- Đường theo tỷ lệ 2: 1 (2 phần dừa, 1 phần đường), bạn có thể thêm một chút đường nhưng không được bớt nhiều nhé vì ít đường quá có thể khiến cho đường không kết tinh được còn nhiều quá thì sẽ bị vón cục.
- Ngâm đường đến khi tan hết thì cho nước màu rau củ vào (đã pha và trộn qua rây) và ngâm thêm 3-4h.
Bước 4. Sên mứt dừa:
- Sau khi ngâm thì cho dừa lên chảo sên (nên sên bằng chảo đáy dày và chống dính)
- Khi nước đường trong chảo sôi thì hạ lửa nhỏ và sên đến khi nước cạn bắt đầu bông đường, tắt bếp và đảo đều tay đến khi đường kết tinh màu trắng. Quá trình sên bắt buộc đảo đều tay liên tục.
- Đối với tạo hình hoa cúc thì nên tạo hình luôn khi dừa vừa sên xong còn nóng (khô sẽ khó uốn). Gập cánh hoa vào trong là được.
Bước 5. Thưởng thức:
Vậy là bạn đã có được những bông hoa mứt dừa thơm ngon rồi.
Một số lưu ý làm mứt dừa ngon hơn.
Cách chọn dừa để làm mứt.
- Nên chọn dừa dẻo, hoặc bánh tẻ không nên chọn dừa già quá hoặc non quá!
- Để chọn mua dừa non ngon thì bạn nên chọn mua những trái dừa có cùi dừa mềm, có màu trắng tươi và bạn có thể nhận biết bằng cách dùng móng tay nhấn vào lớp cùi dừa.
Một số lỗi và cách khắc phục.
- Mứt dừa bị chảy nước:
- Nguyên nhân: do đun lửa quá to, thái miếng dừa ko đều nhau, miếng quá dày. Những miếng chảy nước toàn là miếng chưa khô hết, nó chảy sẽ ngấm sang miếng khác vì vậy thái dừa cũng quan trọng, thái đều miếng, những miếng nào dày nên thái mỏng hơn để đủ ngấm như những miếng kia.
- Cách khắc phục: nếu còn đường bột thì cho vào cùng mứt, cho lên bếp bật lửa thật nhỏ đi găng tay thi thoảng đảo. Lúc này phải thật kiên trì nếu lửa to 1 chút, miếng mứt quá nóng, đường chảy ra sẽ khiến miếng mứt ướt thêm hoặc sẽ bị bén nồi cháy khét. Cứ đi qua đi lại thi thoảng đảo cho nó ráo ráo bông đường ra là ok.
- Dừa không kết tinh được, càng đảo càng khô cứng:
- Nguyên nhân: do là ướp ít đường quá, cho nhiều chanh leo quá hoặc lửa to quá thành ra ta có món dừa ướp đường sên khô cứng nhắc.
- Cách khắc phục: Hãy đem dừa ra rửa sạch, để ráo, ướp lại như từ đầu và sên bình thường.
- Đừng đảo mứt quá khô vì khi để nguội nó bay hớt hơi nóng và độ ẩm đi, dừa sẽ rất cứng. Hãy tận dụng sức nóng của nồi và chảo dày, để lửa thật bé mà đảo, 1 lúc thì cho ra ngoài đảo cho nó ko bị bén và vón đường, cảm thấy còn ẩm có thể cho lên bếp đảo thêm 1 lúc. Cứ làm vài lần là nhìn quen sẽ biết lúc nào cần phải dừng lại ko đảo nữa.
- Khi sên thấy miếng dừa bị gấp khúc nhớ lật ra, vì chỗ gấp đó hay bị ướt, để lâu sẽ ướt sang các miếng khác và mứt nhanh mốc.
- Hoa củ quả tươi lên màu đẹp hơn loại đã phơi khô, cố gắng có được nguyên liệu tươi là tốt nhất.
- Mứt dừa nguyên bản ko pha màu muốn trắng hãy kiên trì sên lửa thật bé.
- Không nên sên mứt lâu quá sẽ làm khô mứt,khi ăn sẽ bị cứng.
Cách bảo quản mứt dừa:
- Sau khi sên xong thì cho mứt dừa ra mâm nhôm hoặc inox để phơi khô. Bạn nên đợi khô hoàn toàn mới cho vào hộp lưu trữ thì mới bảo quản được lâu.
- Quá trình phơi khô khoảng 1 - 2 tiếng và nên để mâm mứt dừa lên nơi cao ráo, tránh bụi bẩn, côn trùng.
- Bạn nên lưu trữ mứt dừa trong túi nilon, túi zip, lọ thủy tinh hoặc hũ nhựa và nên lót một lớp đường ở đáy để hút ẩm.
- Khi lấy mứt ra dùng thì bạn nên nhanh chóng đậy nắp lại ngay để tránh bị gió làm mứt ẩm, dễ hư hỏng.
Những câu hỏi liên quan:
Mứt dừa bao nhiêu calo?
- Mứt dừa là món chứa lượng calo tương đối cao. Calo trong mứt dừa vào khoảng 500 calo / 100g, tương đương lượng calo của 1 tô bún cỡ lớn.
- Tuy nhiên, lượng calo này còn dao động tùy vào lượng đường và các gia vị được thêm trong lúc sên mứt nữa đó nhé.
Ăn mứt dừa có béo không?
- Theo các bác sĩ tại viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, ăn mứt dừa liên tục trong những ngày Tết rất dễ tăng cân, sinh ra nhiều bệnh tim mạch, mỡ máu về lâu dài. Vì trong mứt dừa chứa rất nhiều chất béo và đường.
- Hơn nữa nó còn làm cho đường huyết tăng cao, người bị bệnh đái đường xuất hiện nhiều dấu hiệu nguy hiểm.
- Do đó bạn không nên ăn liên tục và ăn quá nhiều mứt dừa nhé.
Bạn có thể tham khảo thêm cách làm một số loại mứt khác tại đây. Chúc các bạn thành công.