Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 12/09/2023, 10:08 (GMT+7)

Các nhà mạng xây dựng chính sách hỗ trợ người dân khi tắt sóng 2G

Từ tháng 12/2023, các nhà mạng thực hiện khóa máy điện thoại thuần (only) 2G, 3G để người sử dụng chuyển sang điện thoại thế hệ cao hơn (4G và tiến tới là 5G).

tat song 2G Tiepthigiadinh H1
Sẽ khóa máy điện thoại thuần 2G từ tháng 12/2023

Theo thông tin của Bộ TT&TT, tính đến tháng 8/2023, số thuê bao băng rộng di động đạt 86,6 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 87,07 thuê bao/100 dân), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Mục tiêu đến hết năm 2023 đạt 90 thuê bao/100 dân. Thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 101,2 triệu thuê bao tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 7,3 triệu thuê bao; Thuê bao Feature phone 23,1 triệu, giảm 3 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm 2022.

Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024. Bộ TT&TT sẽ quy hoạch lại, và các băng tần 1800MHz, 1900MHz tới đây sẽ không còn phục vụ cho máy 2G Only nữa. Để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, năm 2020, Bộ TT&TT đã có Thông tư quy định việc không nhập khẩu máy 2G Only vào Việt Nam.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang đề nghị các Sở TT&TT địa phương triển khai thanh, kiểm tra xem trên thị trường còn tình trạng nhập không chính thức các máy 2G như thế nào. Nếu còn nhiều, cơ quan chức năng sẽ xử lý, để đảm bảo đến tháng 9/2024, khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, sẽ không còn máy 2G.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết thêm, cần duy trì 2G thêm một thời gian, không phải để phục vụ cho máy 2G, mà phục vụ cho một số máy 4G. Bởi lẽ, theo thống kê, hiện ở Việt Nam có khoảng 15 triệu máy 4G không thể sử dụng thoại, tin nhắn trên mạng 4G, phải dùng xuống mạng 2G, 3G. Điều trên nghĩa là sẽ không còn máy 2G đáp ứng đúng mục tiêu mà duy trì sóng 2G thêm một thời gian để tiếp tục chuyển đổi nốt lượng máy 4G đã nêu.

Về việc hỗ trợ người dùng máy điện thoại 2G chuyển đổi sang smartphone, các nhà mạng viễn thông di động hiện đã và đang xây dựng chính sách hỗ trợ người dùng khi tắt sóng 2G. Chính sách tập trung vào 2 hỗ trợ chính là hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone. Các nhà mạng đều có chính sách hỗ trợ chuyển đổi để người dân không bị mất liên lạc.

Trên thực tế, từ năm 2020 - 2021, các nhà mạng đã tắt dần sóng 2G, 3G. Viettel cho biết, sau 1 năm, nhà mạng này đã tắt 32.000 trạm 3G tại 670 huyện ở 61/63 tỉnh, thành phố. Số trạm còn lại sẽ được tắt khi Viettel hoàn thành xây dựng các trạm BTS để bù vùng phủ tại các địa điểm đó.

MobiFone thử nghiệm tắt sóng 2G từ năm 2020 tại một số khu vực thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cấp SIM 4G miễn phí cho các thuê bao 2G. Khách hàng của MobiFone sử dụng điện thoại 2G có thể đổi điện thoại 4G tại hệ thống Di động Việt với giá bán phi lợi nhuận, kèm theo gói ưu đãi miễn phí dung lượng truy cập Internet trong 90 ngày (2GB/ngày), áp dụng tại khu vực TP.HCM.

VNPT đã thực hiện tắt hàng ngàn trạm 2G và triển khai các chương trình hỗ trợ smartphone tại huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM), tỉnh Bạc Liêu và Vĩnh Long. Đến cuối năm 2022, có khoảng 1,9 triệu thuê bao VNPT đã chuyển đổi từ 2G sang 3G/4G. VNPT cho biết, sẽ triển khai chương trình viễn thông công ích đã được Bộ TT&TT hướng dẫn thực hiện, cụ thể là trợ giá điện thoại thông minh 500.000 đồng/máy cho các thuê bao thuộc đối tượng viễn thông công ích.​

Cùng chuyên mục