Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 09/06/2024, 09:43 (GMT+7)

Nhức nhối vấn nạn sách giả, sách lậu: Đã có chế tài rõ ràng, vào cuộc xử lý thế nào?

Vấn nạn buôn bán sách giả, sách lậu ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn vị mua bán bản quyền sách, các đơn vị xuất bản và cả chính người đọc.

Thu giữ trên 40.000 quyển sách giả

Theo thông mới đây tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng cùng Công an địa phương đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty trách nhiệm hữu hạn B.H (phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) nhằm thẩm tra, xác minh thông tin về hành vi buôn bán sách giả.

Qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện và tạm giữ 40.155 quyển sách các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm: Tập viết 1, vở bài tập Toán 4, Vở bài tập tin học 3, vở bài tập Đạo đức 2, Vở bài tập Tiếng Việt 4, Vở bài tập Toán 1, Vở bài tập tự nhiên và xã hội 2,… với tổng giá trị lên đến 598.763.000 đồng. Trên bìa của tất cả các loại sách này đều có ghi dòng chữ “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam”. 

Thumb (60)
Một số loại sách giả phát hiện tại thời điểm kiểm tra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn B.H

Ngay sau đó, Đội QLTT số 2 đã có văn bản gửi Nhà xuất bản Giáo dục tại thành phố Cần Thơ để yêu cầu xác định thông tin. Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục tại thành phố Cần Thơ đã có văn bản gửi Đội QLTT số 2 với nội dung xác nhận 47 loại sách với số lượng 40.155 quyển sách Đội QLTT số 2 đang tạm giữ không phải do Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam xuất bản hoặc ủy quyền cho đơn vị khác xuất bản; toàn bộ số sách trên là giả mạo về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hiện Đội QLTT số 2 đang hoàn tất hồ sơ vụ việc, thực hiện các trình tự thủ tục tiếp theo để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc vi phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn B.H theo quy định pháp luật.

Trước đó vào tháng 5/2024, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Đồng Nai cùng Công an huyện Nhơn Trạch kiểm cũng đã phát hiện gần 34.000 sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa theo giá bán niêm yết là 607.035.000 đồng.

Vụ việc hiện đang trong quá trình thẩm tra, xác minh để xử lý theo quy định. 

Buôn bán sách giả, sách lậu bị xử lý thế nào?

Để bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị mua bán bản quyền sách, các đơn vị xuất bản và cả chính người đọc, pháp luật nước ta đã có quy định cụ thể về các chế tài xử lý liên quan đến vấn đề này, tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý về mặt hành chính và hình sự.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, số lượng ấn phẩm sách giả mạo mà tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi buôn bán sách giả sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản thì việc tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp.

Bên cạnh đó, hành vi bán sách giả ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì còn có thể bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm hoặc đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy sách giả và nộp lại số lợi nhuận bất chính.

Ngoài ra hành vi buôn bán sách giả còn vi phạm về lĩnh vực sở hữu trí tuệ khi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan. Hành vi này có thể bị xem xét về tính chất và xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Cách nhận diện sách thật, sách giả:

Về hình thức: Bìa của sách thật thường có tiêu đề được in chìm, in nổi hoặc đổ bóng thì tiêu đề sách lậu không được in bằng kỹ thuật khác biệt nào cả. Hơn nữa, bìa sách giả thường không được phủ lớp nilon bóng, có thể bị lem màu ở một số vị trí và dễ bị bạc màu. Ngoài ra, sách giả thường có tình trạng bị dính trang và khi bung sách hết cỡ sẽ thấy rõ đường keo dán không chắc chắn. Lớp keo của sách giả sẽ có màu trắng chứ không phải màu ngà hoặc màu vàng như keo của sách thật. Bên cạnh đó, sách giả thường không được may mặt sau, rất dễ bị rách hoặc rời trang. Những thông tin về đơn vị xuất bản, đơn vị liên kết, tem sách, QR code không được in đầy đủ, thậm chí còn bị biến dạng.

Về giá sách: Sách giả để giá bìa cao hơn sách thật và áp dụng chiết khấu cao (thường cao hơn 50% giá bìa); bán kèm (hoặc tặng) sách cùng bộ trong chương trình bán hàng.

Cùng chuyên mục