Bộ Văn hóa lên tiếng về thông tin hàng loạt sắc phong Việt rao bán tại Trung Quốc
12 sắc phong Việt Nam có niên đại thời Lê và Nguyễn hiện được rao bán tại địa chỉ trang web mua bán cổ vật của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” (Trung Quốc).
UBND xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản báo cáo đến UBND huyện Tam Nông, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Nông về vụ việc xôn xao mạng xã hội Facebook liên quan đến nghi vấn các sắc phong mất cắp năm 2021.
Báo cáo cho biết, ngày 11/4, trên mạng xã hội Facebook có bài viết của người dùng Trần Ngọc Đông với nội dung: "Đau xót khi Sắc phong của Đền Quốc tế xã Dị Nậu bị đánh cắp từ năm 2021, cùng nhiều sắc phong khác của của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc, với hình thức bán đấu giá, tổ chức ngày 22/4/2023, giá khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 Nhân dân tệ (khoảng 9,5 đến 11,9 triệu đồng)”.
Được biết, năm 2021, sau khi UBND xã Dị Nậu phát hiện 40 sắc phong bị đánh cắp đã báo cáo các cơ quan chức năng xác minh, điều tra. Trước thông tin trên, UBND xã Dị Nậu báo cáo, đề nghị UBND huyện Tam Nông và các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra giúp xã Dị Nậu sớm tìm ra, nhận lại được số sắc phong đã bị mất.
Theo ghi nhận, những sắc phong được cho là của Việt Nam đang rao bán trên trang mua bán cổ vật của Trung Quốc có nguồn gốc từ Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam. Ngay sau đó, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT&DL) Lê Thị Thu Hiền đã có Công văn số 309/DSVH-DT gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương.
Nội dung công văn cho hay, trên website (www.yangminhauction.com) của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” có đăng tải thông tin vào 9 giờ 30 ngày 22/4/2023, tại khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá với tên gọi “Giấy cũ phồn hoa – Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” (ký hiệu phiên đấu giá S23041). Hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam (có số thứ tự từ 2243 đến 2254, bao gồm sắc phong đã có tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).
Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. Đồng thời, đề nghị các Sở triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4/2023 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Các địa phương cần tích cực thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu,… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này), báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTTDL để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng và các địa điểm liên quan theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá mà Việt Nam tham gia.
Về thông tin hiện vật buổi đấu giá, trong số 12 sắc phong rao bán được cho có các sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định... Trong số đó có sắc phong được cho là của vua Lê Hiển Tông, ban bố năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740). Bức thứ hai được cho là sắc phong thần ban hành năm Thiệu Trị thứ tư (1844), nói về công đức của thiền sư thời Lý Từ Đạo Hạnh. Thánh chỉ khác được rao bán là của vua Thành Thái, ban bố năm 1889, sắc phong vị thần làng ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (cũ).
Ngoài ra, tại địa chỉ trang web www.yangminhauction.com còn đăng tải thông tin kết quả đấu giá các cổ vật là sắc phong thần có thể xuất phát Việt Nam tại các phiên đấu giá trước đó kèm theo thông tin hiện vật, ngày đấu giá, giá khởi điểm, giá bán sau đấu giá. Một số hiện vật chưa bán được tại các phiên này không ghi giá bán. Những thánh chỉ này in trên giấy vàng, họa tiết rồng, còn nguyên vẹn.
Sắc phong: Văn bản viết trên giấy Sắc (xem Giấy sắc) in hình rồng, có ấn của vua, có nội dung công nhận việc thờ thần của một làng (Sắc phong thần) hay phong chức tước cho một vị quan (Sắc phong chức tước). Mỗi đơn vị sắc phong còn được gọi là Đạo sắc. Sắc phong là tài sản chung của làng, xã nên thường được lưu giữ, bảo tồn chung.