Thứ năm, 02/05/2024, 05:18 (GMT+7)

Big Tech hưởng lợi khi sàn TMĐT Trung Quốc chi bạo cho quảng cáo

Minh Sơn (Tiếp thị & Gia đình)

Quảng cáo mạnh, bên cạnh hàng hoá đa dạng, giá rẻ, là chìa khoá giúp các sàn TMĐT như Temu hay Shein phát triển mạnh ở cả các thị trường khó tính như Mỹ.

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang có nhiều gián đoạn. Thế nhưng, ít nhất một lĩnh vực vẫn đang bùng nổ: Startup Trung Quốc muốn tạo dựng vị thế ở thị trường Mỹ và toàn cầu đang đổ nhiều tỷ USD vào dịch vụ quảng cáo của các công ty công nghệ lớn tại Thung lũng Silicon.

Google lúc này đang tràn ngập quảng cáo hàng hoá giá rẻ của Temu, cánh tay thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế của ông lớn TMĐT Trung Quốc Pinduoduo. Tương tự, Shein “bao vây” Instagram với rất nhiều quảng cáo thời trang và phụ kiện giá thấp. Đó là chưa kể đến các ứng dụng streaming video và trò chơi cũng đang không ngại rót mạnh ngân sách marketing vào Facebook, X và YouTube để thu hút người dùng tiềm năng.

quangcao1
Temu nổi lên như một hiện tượng TMĐT tại Mỹ. (Ảnh: WSJ)

Mới đây, trong một cuộc trao đổi với giới phân tích, Meta thừa nhận các nhà quảng cáo Trung Quốc đang đóng góp 10% tổng doanh thu của hãng này, cao gấp đôi tỷ lệ của hon 2 năm trước. Năm ngoái, Temu đặt khoảng 1,4 triệu quảng cáo trên các dịch vụ của Google và tối thiểu 26.000 phiên bản quảng cáo khác nhau trên Meta, theo Ad Library của Meta.

“Các công ty như Temu đang rót nhiều tiền vào quảng cáo tới mức người dùng không thể thoát khỏi quảng cáo của họ trên tất cả các nền tảng như Facebook, Instagram hay Google”, Sky Canaves, một nhà phân tích cấp cao đang làm việc tại eMarketer, chia sẻ.

Xu hướng nói trên cho thấy Trung Quốc và Mỹ vẫn có nhiều mối liên hệ thương mại bất chấp hai quốc gia này thực hiện nhiều nỗ lực để trở nên bớt phụ thuộc vào nhau. Các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận với lượng khách hàng lớn hơn, trong khi đó các công ty công nghệ Mỹ có thể kiếm tiền từ quốc gia mà họ không trực tiếp kinh doanh ở đó.

Tham vọng toàn cầu đi kèm ngân sách khổng lồ cho quảng cáo

Cơn sốt bạo chi ngân sách marketing đến từ tham vọng toàn cầu của các startup Trung Quốc trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tại quê nhà Trung Quốc không còn vượt trội như trước kia.

Dù vậy, mở rộng ra toàn cầu có cái giá của nó. Các công ty khó có thể nhận được sự chú ý lớn trên thế giới số mà không trả tiền cho Alphabet, công ty mẹ của Google, và Meta. Hai ông lớn này đang chiếm phần lớn thị phần quảng cáo trên internet thông qua các tài sản như Google Search, YouTube, kho ứng dụng Google Play, Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger.

Mặc dù không có mặt tại Trung Quốc, sản phẩm của Alphabet và Meta có độ phủ lớn tới phần còn lại của thế giới, bao gồm cả các thị trường mà các công ty Trung Quốc đang hướng đến.

Việc chi mạnh cho quảng cáo của các công ty như Temu hay Shein đang làm tăng giá quảng cáo số, Josh Silverman, giám đốc điều hành Etsy, chia sẻ hồi tháng 11 năm ngoái.

quangcao2
Shein cũng là một sàn TMĐT Trung Quốc chi mạnh cho quảng cáo số. (Ảnh: WSJ)

Các sàn TMĐT giá rẻ Trung Quốc ngày càng được chú ý ở Mỹ trong vài năm trở lại đây khi thu hút người dùng bằng các sản phẩm giá thấp trong bối cảnh lạm phát khiến giá cả hàng hoá nói chung tăng mạnh.

Temu bắt đầu hoạt động ở Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện đã có mặt ở 50 thị trường. Với lợi thế trường vốn từ công ty mẹ Pinduoduo, Temu đang chi bạo cho quảng cáo, từ những quảng cáo giá rẻ trên Facebook cho đến quảng cáo trong trận đấu Super Bowl.

Bernstein Research ước tính Temu đã chi 3 tỷ USD cho marketing trong năm 2023. Temu cho biết hiện đang phục vụ khoảng 30 triệu người dùng hàng ngày tại Mỹ. Ứng dụng Temu cnũng là ứng dụng được tải về nhiều nhất trên cả kho ứng dụng của Google và Apple, theo Sensor Tower.

Shein, mặc dù đã vào thị trường Mỹ được 7 năm, cũng đang tiếp tục chi mạnh cho marketing. Shein chạy khoảng 80.000 quảng cáo trên Google chỉ trong năm ngoái. Trên Meta, Shein có hơn 7.000 quảng cáo đang hoạt động.

Với Shein và Temu, chi nhiều tiền cho quảng cáo trên Facebook không đảm bảo thành công. Gần một thập niên trước, Wish, một nền tảng TMĐT tập trung vào các mặt hàng giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng từng chi hàng trăm triệu USD cho quảng cáo trên Facebook. Thế nhưng, ứng dụng này không thể duy trì sự quan tâm của người dùng. Tháng trước, Qoo10 (Singapore) mua lại Wish với giá 173 triệu USD, chỉ bằng 1/100 mức định giá của Wish khi IPO vào năm 2020.

Shein và Temu cho phép các nhà bán hàng bên thứ 3 tải ảnh sản phẩm trực tiếp lên hệ thống quảng cáo của Meta và đưa các sản phẩm đó vào quảng cáo của chúng của Instagram và Facebook. Các quảng acos này thường hiệu quả cao trong việc thu hút người mua sắm nhờ được nhắm đến trúng đích mối quan tâm của người dùng dựa trên kho dữ liệu khổng lồ của Meta.

Cùng chuyên mục