Thứ năm, 29/12/2022, 06:15 (GMT+7)

Bánh chưng gạo lứt – món bánh giảm cân ngày Tết

Nguyễn Thị Yến Nhi - TH

(Tiepthigiadinh) - Bánh chưng gạo lứt là lựa chọn cho nhiều chị em vừa muốn ăn Tết lại không lo tăng cân. Cùng Tiếp thị và gia đình nắm bí quyết làm “món ngon giữ dáng” này nhé.

Bánh chưng gạo lứt là gì?

Bánh chưng gạo lứt là loại bánh được làm từ gạo nếp lứt thay vì gạo nếp như bình thường. Bánh chưng gạo lứt mới xuất hiện từ 2 năm trở lại đây để giải quyết nhu cầu vừa ăn Tết ngon lại có thể giữ dáng.

Gạo lứt là loại gạo chỉ được xay sơ qua để loại bỏ vỏ trấu và vẫn giữ được lớp cám gạo bên ngoài, chứ không được xát bỏ, cũng chính vì thế mà thành phần dinh dưỡng của gạo lứt cao hơn gạo thường. Gạo lứt còn được biết đến với các tên gọi như gạo rằn, gạo lật.

Khi ăn gạo lứt, nếu chưa quen bạn sẽ cảm thấy hơi thô và cứng, gây ra cảm giác nham nháp ở cổ họng do gạo còn lớp vỏ cám ở ngoài. Tuy nhiên gạo này rất tốt cho sức khoẻ. Gạo lứt có 3 loại chủ yếu được chia làm ba màu: Trắng ngà, đỏ và đen.

gao lut tiep thi gia dinh
Ảnh minh họa

Công dụng của bánh chưng gạo lứt.

Bánh chưng gạo lứt được biết đến là “món ăn giảm cân ngày Tết”. Thay vì gạo nếp và các nguyên liệu nhiều calo như bánh chưng truyền thống, bánh chưng gạo lứt được làm từ gạo lứt - gạo được xay xát chỉ bỏ lớp vỏ trấu và giữ nguyên lớp vỏ cám nên rất giàu nguyên tố vi lượng. Chúng có nhiều chất xơ nên khi ăn có cảm giác no lâu, phù hợp cho những người ăn chay, ăn kiêng và muốn giảm cân, giữ dáng.

Đặc biệt, lượng acid alpha lipoic trong gạo lứt cũng giúp chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giải phóng mỡ thừa trong cơ thể tốt hơn gạo trắng. Như vậy, bánh chưng gạo lứt giúp ít nhất là giữ cân, thậm chí có thể giảm cân so với ăn bánh chưng thường.

banh chung gao lut tiep thi gia dinh
Ảnh minh họa

Bánh chưng gạo lứt vừa ngon, vừa đẹp bởi màu sắc từ gạo lứt (có thể là màu đỏ, trắng ngà hay đen), lại có thể giữ dáng nên được rất nhiều người ưa chuộng.

Cách làm bánh chưng gạo lứt.

1. Chuẩn bị nguyên liệu.

- Gạo lứt: có thể là gạo lứt đen, đỏ hay trắng ngà

- Ức gà/ba chỉ heo: nếu bạn muốn bánh được healthy 100%, bạn có thể thay thịt ba chỉ bằng ức gà hoặc thịt lợn nạc để giảm được lượng chất béo trong bánh. Trong bánh ngày hôm nay chúng tôi sẽ hướng dẫn cách làm bánh chưng gạo lứt ức gà, với ba chỉ heo cũng làm tương tự như vậy.

- Đậu xanh

- Lá dong

- Gia vị

- Lạt

- Khuôn gói bánh (không bắt buộc)

2. Các bước làm bánh chưng gạo lứt.

Bước 1. Sơ chế nguyên liệu.

- Gạo lứt: bạn vo sạch rồi ngâm qua đêm tầm 10 – 12 tiếng. Vì loại gạo này sẽ cứng hơn loại gạo thông thường nên bạn cần phải ngâm lâu để gạo có thể nở chín đều. Ngâm gạo cùng ½ muỗng cà phê muối sẽ giúp gạo mềm hơn.

- Đậu xanh: bạn rửa sạch sau đó ngâm tầm 4-6 tiếng. Sau đó cho thêm chút gia vị cho đậu được đậm đà. Có thể để nguyên hoặc hấp cách thủy để đậu xanh chín nhừ, chia thành từng lượng đủ cho 1 cái bánh.

- Thịt gà: bạn nên chọn những miếng ức gà có da màu trắng, vì đây là gà lớn, thịt có phần ngon và dai hơn, gà non thì thịt hay bị bở. Ức gà mua về rửa sơ với nước muối, sau đó rửa sạch hoàn toàn với nước, cắt thịt gà thành từng miếng vừa ăn, dài khoảng 5-7cm. Thịt gà ướp cùng 1/2 muỗng cà phê bột canh, 1/3 muỗng cà phê bột ngọt, 1/3 muỗng cà phê tiêu xay và ướp trong 30 phút cho thấm gia vị.

- Lá dong: rửa sạch sau đó để ráo nước. Bạn cắt bớt phần cuống và phần đầu lá, dọc bớt phần gân lá để lá mềm dễ gói và bánh sau khi gói sẽ đẹp hơn.

- Lạt: bạn rửa sạch và ngâm cùng nước ấm để lạt mềm hơn.

Bước 2. Gói bánh chưng gạo lứt

1.  Xếp lạt thành hình chữ nhật rồi đặt khuôn lên trên. Xếp lá dong đã gấp vuông vức thành các cạnh hình chữ nhật trong khuôn

2. Lấy chén múc khoảng 200g gạo lứt cho vào khuôn, ấn và dàn đều để gạo điền đầy khắp đáy khuôn.

banh chung gao lut tiep thi gia dinh
Ảnh minh họa

3. Tiếp tục rải đều 100g đậu xanh lên trên gạo, đặt 1 miếng thịt lên trên rồi lại rải thêm 100g đậu xanh lên cho phủ kín thịt (không nên rải đậu xanh hết đến cạnh khuôn mà nên chừa lại khoảng 1,5 cm).

4. Sau đó lấy tiếp 200g gạo lứt rải đều xung quanh và phủ kín mặt đậu xanh. Dùng tay ấn nhẹ gạo ở các góc và mặt bánh cho gạo nén xuống.

5. Tiếp đến, gập các cạnh lá lại, những chỗ lá thừa không cần thiết thì ta dùng kéo cắt đi cho gọn. Dùng lạt cột thêm cho đều và chắc bánh, cắt bỏ phần lạt còn dư cho bánh đẹp và gọn.

Bạn cũng có thể gói bánh vuông hay bánh dài tùy ý.

Bước 3. Luộc bánh chưng gạo lứt

1. Xếp bánh vào nồi, đổ nước ngập bánh.

2. Luộc bánh chưng gạo lứt trong khoảng 8 – 10 tiếng đến khi bánh chín đều thì vớt ra.

3. Bánh vớt ra nên được để ráo nước và rửa sạch bánh.

4. Sau đó đem bánh ép khuôn để chắt hết nước dư, cho bánh vào khuôn đẹp nhất.

bánh chưng gao lut tiep thi gia dinh
Ảnh minh họa

Bước 4. Thành phẩm.

Bánh có màu đỏ nâu rất đẹp mắt. Bánh rất chắc chắn và khi cắt rất mềm và dẻo.

banh chung gao lut tiepthigiadinh
Bánh chưng gạo lứt

Lưu ý khi làm bánh chưng gạo lứt.

Một số lưu ý để có được bánh chưng gạo lứt thơm ngon.

  • Gạo lứt để gói bánh nên chọn những hạt tròn, mập, ngắn, bóng bẩy và dùng tay bấm hạt không bị vỡ, bánh sẽ thơm ngon và chất lượng hơn.
  • Gạo lứt phải ngâm tầm 8-10 tiếng trước khi đem đi gói để đảm báo bánh được nở dền và ngon hơn.
  • Bạn có thể thay thịt gà bằng thịt lợn nạc hoặc thịt ba chỉ đều được.
  • Lớp đậu xanh và gạo nên cho vừa phải để bánh có thể chín đều.
  • Khi nước cạn châm thêm nước nóng, tránh cho nước lạnh khiến bánh không được chín đều.
  • Sau khi nồi bánh chưng đã sôi, bạn giảm lửa (đối với nồi luộc bếp than, bếp củi) hoặc giảm nhiệt độ (đối với nồi luộc bằng điện). Chỉ để lửa liu riu trong suốt quá trình luộc bánh chưng.

Cách bảo quản bánh chưng gạo lứt.

  • Để bảo quản bánh chưng gạo lứt được lâu thì sau khi luộc xong bạn để bánh chưng cho thật ráo nước hoặc dùng khăn lau khô phần nước dư trên lá dong.
  • Bánh khi chưa ăn bạn để ở nơi thoáng khí, khô ráo, không tiếp xúc gần với các món ăn khác để tránh phát sinh nấm, mốc.
  • Nếu bạn dùng dao hoặc dây cắt bánh thì phải đảm bảo dao thật sạch, không dính bụi bẩn hay thức ăn khác.
  • Bánh chưng gạo lứt khi bóc ra ăn không hết bạn dùng màng bọc thực phẩm bao kín lại rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản
  • Để bảo quản bánh được lâu bạn có thể hút chân không bánh sau đó bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh.

Các câu hỏi liên quan về bánh chưng gạo lứt.

1. Bánh chưng gạo lứt bao nhiêu calo.

Việc thay thế gạo nếp thông thường bằng gạo lứt sẽ khiến bánh chưng gạo lứt ít calo và no lâu hơn. 100g gạo lứt sẽ có khoảng 110calo, như vậy trung bình 1 miếng bánh chưng gạo lứt ức gà sẽ có khoảng 200calo. Một lượng calo siêu ít thích hợp cho ai đam mê bánh chưng mà không lo tăng cân.

2. Ăn nhiều bánh chưng gạo lứt có béo không.

Bánh chưng gạo lứt là một món ăn vừa ngon và ít calo. Tuy nhiên, bất kể món ăn gì bạn ăn quá lượng cho phép cũng sẽ gây tăng cân. Do đó, bạn không nên quá lạm dụng việc bánh chưng gạo lứt không béo mà ăn mất kiểm soát. Bạn nên kết hợp ăn bánh chưng gạo lứt cùng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung các loại rau củ quả, kết hợp tập luyện thể thao đều đặn. 

banh chung gao lut tiep thi gia dinh
Ảnh minh họa

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm
Cùng chuyên mục