Bạn có đang tiết kiệm sai cách không?
Theo một số chuyên gia tài chính, nếu quỹ khẩn cấp của bạn quá lớn, bạn không có khoản đầu tư nào... thì bạn đang tiết kiệm sai cách rồi đấy.
Quỹ khẩn cấp quá lớn
Giám đốc đầu tư của Century Financial (Dubai) Vijay Valecha cho biết, nếu quy mô quỹ khẩn cấp của bạn quá lớn, điều đó có nghĩa là bạn đang tiết kiệm nhiều hơn mức cần thiết. Một quỹ khẩn cấp thường có giá trị tương đương chi phí sinh hoạt 3-6 tháng trong một tài khoản tiết kiệm có tính thanh khoản cao. Vì vậy, nếu quy mô quỹ khẩn cấp quá lớn, người đó đang bỏ lỡ các cơ hội đầu tư tốt.
"Mọi người có xu hướng giữ nhiều tiền mặt bên mình đề phòng trường hợp bất trắc. Tuy nhiên, tất cả những gì bạn cần là dành ra là 6-9 tháng chi phí thiết yếu. Khi quỹ khẩn cấp đã có đủ, phần còn lại có thể được dành để đầu tư. Nếu bạn muốn thanh khoản bất cứ lúc nào, các khoản đầu tư như chứng khoán có thể được tiếp cận một cách nhanh chóng." Ramzi Khleif - Tổng giám đốc của công ty quản lý tài sản kỹ thuật số StashAway Mena chia sẻ.
Không có khoản đầu tư nào
Nếu bạn nghĩ rằng việc tích trữ tiền mặt trong nhà hoặc trong tài khoản tiết kiệm sẽ giúp bạn chuẩn bị cho việc nghỉ hưu thì bạn đã nhầm. Bất cứ lúc nào tiền tiết kiệm của bạn không tăng cùng tốc độ với lạm phát, bạn sẽ mất tiền.
Bà Sophia Bhatti - Đối tác tại Hoxton Capital Management cho biết: “Nếu bạn không mắc nợ, tiền liên tục được gửi vào tài khoản tiết kiệm và quỹ khẩn cấp nhưng lại không có bất kỳ khoản đầu tư nào thì đó là một vấn đề. Đầu tư là một trong những cách tốt nhất để làm giàu nhưng nhiều người thường né tránh vì sợ hãi hoặc không biết bắt đầu từ đâu. Tất cả hoặc một phần số tiền bạn hiện đang tiết kiệm có thể được phân bổ lại cho các khoản đầu tư. Bạn sẽ thấy rằng đầu tư có thể khiến bạn thấy thỏa mãn và thú vị hơn so với tiết kiệm thông thường. Bạn cũng có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi tiến hành hoạt động đầu tư.”
Đồng tình với quan điểm trên, ông Valecha cho biết, khi còn trẻ, ngoài khoản tiết kiệm, bạn nên đầu tư nhiều hơn vào các tài sản có độ rủi ro như cổ phiếu và quỹ tương hỗ.
Từ chối các hoạt động xã hội
Khá nhiều người lừa chọn không ra ngoài giao tiếp với xã hội nhiều để tránh phải tiêu tiền. Họ đang đánh đổi cuộc sống xã hội của họ cho việc tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, việc làm này dần khiến cho bạn trở nên cô đơn và bỏ qua nhiều cơ hội sinh lời từ các mối quan hệ.
Ông Khleif chia sẻ, bạn có thể sống một lối sống cân bằng bằng cách lập ngân sách hàng tháng và phân bổ một số tiền nhất định cho các khoản chi tiêu phục vụ giải trí của mình. Bạn có thể cân nhắc sử dụng quy tắc 50/30/20. Theo đó, 50% thu nhập của bạn sẽ dành cho các chi phí cần thiết (thực phẩm, chi phí đi lại và thuê nhà), 30% thu nhập dành cho chi tiêu cá nhân (giải trí và du lịch) và 20% thu nhập dành cho tiết kiệm.
"Đừng quên tính toán chi tiêu cho sự vui vẻ trong ngân sách của bạn để bạn biết rằng bạn có đủ khả năng chi trả và điều này đã được lên kế hoạch trước. Ngay cả khi bạn giảm một chút khoản tiết kiệm của mình để đảm bảo mình có thể vui vẻ, về lâu dài điều này vẫn có giá trị và xứng đáng. Bạn đã làm việc chăm chỉ kiếm tiền nên bạn hoàn toàn có thể tận hưởng nó", bà Bhatti nói.
Kẹt trong vòng luẩn quẩn tiết kiệm rồi lại rút ra ngay
Theo bà Bhatti, nếu bạn liên tục rút tiền từ khoản tiết kiệm của mình, đặc biệt là để trang trải các hóa đơn và chi tiêu chung thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang đặt quá nhiều tiền vào quỹ tiết kiệm. Hãy lùi lại một bước và xem lại ngân sách của bạn. Sau khi chi trả các loại hóa đơn và chi phí, bạn còn lại bao nhiêu? Từ số tiền đó, hãy phân bổ tiền để vừa có thể tiết kiệm vừa có thể tận hưởng những niềm vui của riêng mình.
Mỗi khi có thêm một khoản thu nhập nào đó, đừng nhanh nhanh chóng chóng gửi thật nhiều vào quỹ tiết kiệm để rồi sau đó lại rút ra để trang trải cho các chi phí của mình. Làm như vậy chính là bạn đang tiết kiệm tiền sai cách và sẽ nhanh chóng chán nản với việc tiết kiệm tiền.