Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 09/07/2024, 05:45 (GMT+7)

Bác sĩ chỉ cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, có tỷ lệ tử vong 5-10%. Bác sĩ hướng dẫn cách phòng, ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Tỉnh Nghệ An đã ghi nhận ca tử vong do bạch hầu ở huyện Kỳ Sơn. Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang ghi nhận ca bệnh ở huyện Hiệp Hòa có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.

Cụ thể, một cô gái 18 tuổi tại Kỳ Sơn, Nghệ An vừa được xác định tử vong do bệnh bạch hầu. Cùng đó, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, cũng ghi nhận trường hợp M.T.B. (18 tuổi, quê Nghệ An, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Đây là trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An.

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM hướng dẫn sau:

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, có tỷ lệ tử vong 5-10%.

hinh-anh-mac-benh-bach-hau
Hình ảnh bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu cấp có giả mạc vùng vòm họng

Cách vi khuẩn lây nhiễm

- Đường lây

+ Lây trực tiếp do hít phải chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh thông qua các giọt nước nhỏ li ti phát ra khi ho, hắt hơi, nói chuyện.

+ Vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh người bệnh từ vài ngày đến vài tuần như trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được hai tuần.

+ Hiếm gặp hơn, có thể lây trực tiếp từ các sang thương trên da, là các nang dạng biểu bì, u mỡ, mụn cơm và nốt ruồi.

- Nguồn lây

Ngưòi bệnh hoặc người lành mang mầm bệnh.

- Thời kỳ lây

+ Thường là cuối thời kỳ ủ bệnh hoặc ngay khi khởi phát bệnh, có thể kéo dài từ hai đến 4 tuần.

+ Trung bình, sau khi hít phải vi khuẩn 2-5 ngày, người sẽ phát bệnh.

Triệu chứng

- Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, sẽ có các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau.

- Triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng.

- Một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành...

- Khi bệnh tiến triển nặng lên, có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp.

- Các độc tố bạch hầu khi ngấm vào máu sẽ gây tình trạng nhiễm độc toàn thân, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác, gây viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong.

Nguy cơ nhiễm bệnh

- Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có khả năng miễn dịch thấp.

- Người đã tiêm phòng bệnh bạch hầu hoặc đã từng mắc bệnh trong quá khứ vẫn có khả năng nhiễm lại do cơ thể không tạo ra khả năng miễn dịch hoặc khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian.

Phòng ngừa

- Gia đình nên đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có những biểu hiện nghi bạch hầu, cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh, hạn chế tụ tập đông người theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Chiều 8/7, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời ca bệnh. Các tỉnh cần triển khai biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả trường hợp tiếp xúc gần.

Đồng thời, các đơn vị đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển ca mắc đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Các địa phương thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vắc xin. Cục Y tế dự phòng cũng nhấn mạnh các đơn vị lưu ý những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh bạch hầu để người dân chủ động phòng bệnh. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, trẻ em, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Trường hợp cần thiết đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gửi Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định. Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng chuyên mục