3 điều dù đắn đo mấy cũng tuyệt đối không được nói với con
Dù thế nào đi nữa có những lời nói không nên nói ra với con. Một khi đã thốt ra rồi sẽ chỉ làm tổn thương mối quan hệ giữa hai bên, tạo nên vết thương khó lành.
"Sở dĩ cha mẹ không ly hôn cũng là vì con"
Thực tế, trẻ con không thể chịu đựng được những lời nói như vậy. Nguyên nhân rất đơn giản, bởi không ai có thể gánh vác trách nhiệm cuộc sống của người khác, trách nhiệm này quá lớn, không ai có thể gánh chịu.
Vì vậy, khi trẻ nghe những điều như vậy, chúng chỉ càng cảm thấy căng thẳng áp lực hơn. Khi tần suất nói những lời này ngày càng nhiều, trẻ sẽ dần dần sinh ra chán ghét, lạnh nhạt thờ ơ, lòng trắc ẩn và sự quan tâm dành cho cha mẹ cũng sẽ dần biến mất.
Nhiều người con chia sẻ, cha mẹ họ đã nói điều này với họ khi còn nhỏ. Và không có ngoại lệ, họ đều hy vọng bố mẹ có thể ly hôn. Bởi vì trong một gia đình đầy rẫy những cãi vã và bạo lực lạnh nhạt, họ thà sống trong một ngôi nhà đơn độc của riêng mình hơn.
Bởi vậy, nếu cha mẹ nói những điều như vậy, thực chất họ chỉ đang tự an ủi mình, cho rằng con cái sẽ thông cảm cho mình, nhưng thực tế sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy thống khổ và chán ghét.
Dù cho cha mẹ và con cái là người một nhà, nhưng có một số điều vẫn là cần phân rõ. Không nên đem toàn bộ nguyên nhân không ly hôn đổ lên người con vì điều này sẽ làm tổn thương con.
"Tất cả là lỗi của con"
Trong cuộc sống, một số bậc cha mẹ cư xử rất kỳ lạ. Khi họ gặp bất kỳ vấn đề gì, phản ứng đầu tiên của họ là đổ lỗi cho con. Họ sẽ vội vàng tìm góc độ để phê bình những lỗi lầm, khuyết điểm của con mình.
Họ chưa bao giờ nghĩ tới: Liệu vấn đề này có phải là lỗi của người khác không? Có phải do nguyên nhân khách quan đưa đến? Dường như trong thế giới của họ, mọi vấn đề đều do trẻ em gây ra, điều này thật là làm cho người ta khó hiểu.
Một số cha mẹ mắng con khi thấy con bị cảm mạo nóng sốt. Nhưng có bao giờ họ nghĩ rằng việc trẻ em bị bệnh kỳ thật cũng là rất vô tội? Chúng cũng không muốn bản thân mình bị bệnh.
Tuy nhiên, ai rồi cũng có lúc bị bệnh. Nhưng một số cha mẹ không thể thông cảm cho con mình. Cũng có một số bậc cha mẹ mắng con rất lâu nếu con làm vỡ bát, hành vi như vậy thực sự rất khó hiểu.
Trên đời này, không ai có thể tránh khỏi việc mắc sai lầm. Trừ khi họ hoàn toàn không tồn tại trên thế giới này. Ngay cả người lớn như cha mẹ cũng không mắc sai lầm sao? Luôn chỉ trích những lỗi nhỏ của con sẽ chỉ làm tổn hại hoàn toàn đến mối quan hệ cha mẹ và con cái.
"Con không giỏi bằng con nhà người ta"
Từ rất lâu, "con nhà người ta" đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đứa trẻ. Đây là hình tượng mà nhiều bậc phụ huynh thường dùng để nói về một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, thậm chí là hoàn hảo về mọi mặt... nhằm mục đích răn đe, đốc thúc con mình cố gắng. Thế nhưng, việc so sánh giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác không chỉ gây bất lợi cho sức khỏe, tinh thần của trẻ mà nó còn là bóng ma tâm lý đè nặng lên tâm trí trẻ suốt quãng đời còn lại.
Dù biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng các bậc làm cha làm mẹ vẫn không dằn được lòng mình mà so sánh con mình. Từ cân nặng, chiều cao cho đến điểm số... cái gì cũng có thể trở thành mục tiêu để các bậc phụ huynh đặt lên bàn cân so sánh. Nhiều cha mẹ "ngây thơ" nghĩ rằng, so sánh là cách để con nhìn lại bản thân đang yếu kém ở đâu mà phấn đấu. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Hãy khen đứa trẻ mỗi ngày, so sánh chính con với chính chúng của ngày hôm qua, xem nó có tiến bộ hơn mỗi ngày không? Đừng bao giờ đem con người khác ra làm "gương" soi, phản chiếu cái mà con mình không có. Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, yếu khác nhau. Quan trọng nhất là bạn cần giúp con phát huy được khả năng của mình, hạn chế được nhược điểm.