Sốt xình xịch với ‘xé túi mù’: Xu hướng kinh doanh Livestream Shopping mới ‘cực viral’
Các buổi livestream “xé túi mù” thu hút từ hàng chục đến hàng trăm nghìn người xem, trở thành một trào lưu đáng chú ý trong kinh doanh trực tuyến.
“Xé túi mù” đã trở thành từ khóa phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Trước sức hấp dẫn mạnh mẽ này, nhiều thương hiệu lớn và nhà bán lẻ nhanh chóng nắm bắt cơ hội, lồng ghép sản phẩm của mình vào xu hướng, tạo ra trải nghiệm mua sắm đầy thú vị với yếu tố bất ngờ cùng tính giải trí cao.
Hai xu hướng gặp gỡ, tạo trải nghiệm mua sắm hấp dẫn
Livestream bán hàng hiện đang phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội. Theo báo cáo từ Decision Lab, Livestream Shopping chiếm đến 62% thị phần mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, với Facebook và TikTok là hai nền tảng chính. Đặc biệt, TikTok Shop đã trở thành kênh bán hàng phổ biến với giới trẻ, trong khi Facebook vẫn được ưa chuộng bởi các nhóm khách hàng lớn tuổi hơn như Gen Y và Gen X.
Trước sức tăng trưởng này, các nhà bán lẻ và thương hiệu cần tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới mẻ để thu hút khách hàng tiềm năng. Xu hướng Shoppertainment trở thành một lựa chọn phổ biến, trong đó hình thức “xé túi mù” là cách thức được nhiều thương hiệu sử dụng để gia tăng sự hấp dẫn cho các buổi livestream.
Xu hướng “túi mù” vốn được lấy cảm hứng từ các trò chơi blind box của các bộ sưu tập đồ chơi như Labubu và Cry Baby. Trong đó, các sản phẩm phổ biến thường là đồ chơi thủy tinh nhỏ, kích thước từ 3 - 5cm, thường có hình dáng các loài động vật dễ thương và giá thành rẻ hơn so với các bộ sưu tập khác như Pop Mart.
Vì sao “xé túi mù” lại quan trọng với doanh nghiệp?
Không chỉ thu hút nhờ giá cả, túi mù còn hấp dẫn giới trẻ với luật chơi thú vị như mở được hai túi giống nhau sẽ nhận thêm một túi hoặc trúng nguyện vọng sẽ được tặng thêm túi khác. Sự mới lạ này nhanh chóng lan tỏa, đạt gần 300 nghìn lượt thảo luận theo thống kê của Socialtrend.
Nắm bắt xu hướng, nhiều nhà bán lẻ tổ chức các buổi livestream chuyên về xé túi mù, tạo ra mô hình kinh doanh mới và thu hút người tiêu dùng trẻ. Một số KOLs và người nổi tiếng như Tina Thảo Thy, Hồ Bích Trâm và Lê Dương Bảo Lâm đã dành nhiều giờ mỗi ngày để livestream, thu hút hàng nghìn người xem nhờ không khí sôi động khi xé từng túi, khiến khán giả tò mò không biết món đồ nào sẽ xuất hiện tiếp theo.
Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng mua từ 10 đến 20 túi với hy vọng nhận được sản phẩm có giá trị hơn. Sự đáng yêu của các món đồ trong túi mù cũng góp phần tăng sức hấp dẫn của xu hướng này đối với giới trẻ.
Việc xé túi mù không chỉ mang lại trải nghiệm mua sắm mà còn tạo ra cảm giác hồi hộp cho người tiêu dùng, khiến họ không ngừng háo hức khám phá những món đồ bí ẩn. Cảm giác bất ngờ này khơi dậy tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ), thúc đẩy người tiêu dùng mua thêm sản phẩm.
Trên các sàn thương mại điện tử, mô hình kinh doanh túi mù cũng phát triển mạnh mẽ, đạt hàng trăm nghìn lượt bán nhờ sự bùng nổ của xu hướng và nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Các nhà bán lẻ mở rộng mô hình này với nhiều sản phẩm khác ngoài đồ chơi, biến túi mù thành một công cụ kinh doanh sáng tạo.
Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ
Trào lưu xé túi mù không chỉ mang lại doanh số ấn tượng mà còn giúp thương hiệu tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng. Việc lồng ghép yếu tố giải trí vào bán hàng tạo nên một hình thức kinh doanh hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, mô hình này cũng đối diện với không ít thách thức.
Nếu không được quản lý kỹ lưỡng, việc bán túi mù có thể tạo ra cảm giác không hài lòng khi khách hàng liên tục nhận được các sản phẩm không như kỳ vọng. Thương hiệu cần đảm bảo chất lượng sản phẩm và minh bạch trong thông tin để duy trì lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, sự bùng nổ nhanh chóng của xu hướng có thể dẫn đến hiện tượng bão hòa thị trường, đòi hỏi các thương hiệu liên tục đổi mới để duy trì sự quan tâm của người tiêu dùng.
Mặt khác, hình thức này còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường khi bao bì của túi mù chủ yếu làm từ nilon. Do đó, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần xem xét sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hơn.
Có thể thấy, dù là một trào lưu mới, túi mù đã cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển. Trong tương lai, các thương hiệu có thể khai thác trào lưu này để xây dựng lòng trung thành bằng cách cá nhân hóa sản phẩm trong túi mù hoặc tạo ra phiên bản giới hạn đi kèm chương trình khuyến mãi. Đây có thể là một chiến lược kinh doanh tiềm năng khi kết hợp giữa yếu tố giải trí và mua sắm, hứa hẹn tiếp tục thu hút người tiêu dùng trong thời gian tới.
- Rare Beauty khởi động chiến dịch quảng cáo toàn cầu đầu tiên: Yêu mọi phiên bản ‘hiếm có’ của bản thân
- Góc nhìn mới về tiết kiệm năng lượng từ chiến dịch quảng cáo của IKEA: Đơn giản, sáng tạo và hiệu quả!
- 'Ngắt kết nối ảo, bật trải nghiệm đời thực': Chiến dịch mang thông điệp ý nghĩa của Heineken
- 4 chiến dịch quảng cáo nổi bật tuần qua: PNJ tạo sân chơi thiết kế trang sức, OMO ra mắt sản phẩm giới hạn
- Sàn thương mại Temu rầm rộ quảng cáo hàng giả rẻ, đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực tiềm ẩn phía sau
- Các ông lớn như Google, Coca Cola Việt Nam nói gì về đề xuất sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Quảng cáo?