Thứ ba, 16/04/2024, 16:30 (GMT+7)

Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple?

Sau chuyến thăm và làm việc của Giám đốc điều hành Tim Cook, Việt Nam ngày càng chứng tỏ được tầm quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng của Apple.

Thực tế trong vòng 10 năm qua, số lượng công ty lắp ráp sản phẩm Apple tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần. Theo khảo sát năm 2023 của Bloomberg, 5 trên 10 nhà cung ứng hàng đầu của Apple đang có nhà máy tại Việt Nam. Các nhà cung ứng này bao gồm các tập đoàn lớn như Foxconn, Samsung, LG... đã chiếm 77% tổng chi tiêu của Apple vào năm 2023. Đặc biệt, cuối tháng 12 năm ngoái, Apple đã phối hợp với nhà cung ứng BYD chuyển nguồn lực thiết kế và phát triển iPad từ Trung Quốc đến Việt Nam.

Loạt dữ kiện trên đã cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Apple. Những cơ hội mới càng trở nên có căn cứ sau chuyến thăm và làm việc gần đây nhất của Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook. Cụ thể, tập đoàn này sẽ công bố việc tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam, cũng như sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình trong Quỹ phát triển nhân viên, với tổng trị giá 50 triệu USD.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam mang nhiều tin vui cho cộng đồng công nghệ
CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam mang nhiều tin vui cho cộng đồng công nghệ. (Ảnh: VOV.vn)

Theo giới chuyên gia, lý do cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này là do lao động tại Việt Nam đang có giá cả phải chăng hơn so với Trung Quốc. Mức lương tối thiểu hàng tháng của Việt Nam tại các vùng đều đang ở dưới mức 5 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu hàng tháng tại Trung Quốc là 2.590 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 9 triệu đồng). Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lao động tại Việt Nam là khá cao, với hơn 75% dân số đang trong độ tuổi lao động. Việt Nam cũng có chung đường biên giới với Trung Quốc, tạo nên một chuỗi cung ứng hiệu quả đối với Apple.

Việt Nam cũng đang thu hút các nhà sản xuất công nghệ từ Mỹ bằng các chính sách giảm thuế và cho thuê đất giá phải chăng. Các quan chức cấp tỉnh và địa phương cũng đang dành nhiều sự quan tâm cho Apple, khi thường xuyên liên hệ với đại diện của hãng và cung cấp ký túc xá cho các công nhân nhà máy thuộc chuỗi cung ứng. Kết quả là nhiều nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của Apple đã chứng kiến lợi nhuận gia tăng. Cụ thể vào năm ngoái, giá cổ phiếu của hai nhà cung cấp Quanta Computer và Compal Electronics của Apple đã tăng 30%, sau khi hai hãng này đã đầu tư vào Việt Nam.

Trước đó, Việt Nam cũng đã thu về những tín hiệu tích cực thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp điện tử của Apple. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện tại Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2022. Theo báo cáo từ JPMorgan, các nhà máy tại Việt Nam dự kiến sẽ sản xuất khoảng 20% tổng số iPad và Apple Watch vào năm 2025. Trong khi đó, sản lượng dự kiến của MacBook là 5% và AirPods đạt 65%.

Đánh giá về triển vọng đầu tư của Apple, Giám đốc điều hành Tim Cook nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác với các nhà cung ứng của Apple tại đây.

Trước đó, Phó Chủ tịch Apple phụ trách chính sách toàn cầu, ông Nick Ammann tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023 cũng khẳng định Việt Nam là thị trường và khu vực sản xuất rất quan trọng với Apple và bày tỏ mong muốn tham gia phát triển và đào tạo nhân sự tại đây, đặc biệt là kỹ thuật phần cứng.

Cũng theo các chuyên gia từ tờ Financial Times, với các nhà cung ứng của Apple, Việt Nam là khoản đặt cược sẽ sinh lời. Về phía Việt Nam, bà Sonal Varma, nhà kinh tế hàng đầu tại công ty Nomura Holdings Inc. (Nhật Bản) cho rằng khoản đầu tư từ Apple là động lực tăng trưởng tiềm năng mà không quốc gia nào thực sự có thể bỏ lỡ, đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục