Thứ bảy, 11/01/2025, 06:01 (GMT+7)

Tranh cãi mẫu áo dài 'cách tân váy ngắn' làm hỏng hình ảnh áo dài truyền thống

Xu hướng mặc áo dài vào dịp Tết Nguyên đán đang trở nên thịnh hành vào những năm gần đây. Nếu như trước đây chị em ưa chuộng các mẫu áo dài truyền thống, thì vài năm nay các mẫu áo dài cách tân đang trở nên phổ biến hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng ưa chuộng thời trang mới thì cũng có ý kiến trái chiều lên án việc “cách tân áo dài” đang làm hỏng hình ảnh áo dài truyền thống. Nhiều người gọi một số mẫu áo dài cách tân hiện nay là “biến tấu đến dị dạng”, “áo dài cách tân nhưng không giống áo dài”.

Điển hình là mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện mẫu thiết kế mang tên “Áo dài Mộc Miên” của một hãng thời trang. Hãng thời trang này quảng cáo đây là mẫu áo dài cách tân váy ngắn, với quần được giấu bên trong váy. Sau khi xuất hiện bài đăng quảng cáo mẫu trang phục này, nhiều người đã vào bình luận cho rằng đây không phải áo dài và kêu gọi tẩy chay mẫu áo dài cách tân váy ngắn nói trên.

z6215294521585_0581fb01bf
"Áo dài Mộc Miên" được một hãng thời trang giới thiệu là áo dài cách tân váy ngắn.

Là một nhà thiết kế trẻ, NTK Tường Vy cho rằng, áo dài là một trang phục truyền thống mang đậm tính văn hoá của người Việt Nam, do đó, việc sáng tạo phải nằm ở trong chuẩn mực cho phép chứ không nên “sáng tạo quá mức” khiến biến thể tách rời với hình ảnh của trang phục gốc ban đầu.

“Vài năm trước áo dài kết hợp với váy đụp nổi lên trên mạng xã hội khiến nhiều người ví von như mắm tôm pha với ca cao. Nhưng mới đây lại xuất hiện thêm mẫu áo dài cách tân váy ngắn, khiến dư luận xôn xao vì bản chất nó là một váy ngắn chứ không phải áo dài”, NTK Tường Vy chia sẻ.

z6215294525299_f79512af68
"Áo dài Mộc Miên" là chiếc váy có quần được giấu bên trong váy.

Cũng theo NTK Tường Vy, thời trang là phải sáng tạo, năng động, thoải mái, phóng khoáng để phù hợp với giới trẻ - đặc biệt là Gen Z. Nhưng khi cách tân áo dài, ít nhất phải giữ cho nó đúng nghĩa là “áo dài” chứ không nên để áo quá ngắn. Thực tế, mẫu “áo dài cách tân váy ngắn” chỉ là chiếc váy giấu quần chứ không thể gọi nó là chiếc áo dài.

Là một nhà thiết kế đam mê với những mẫu áo dài truyền thống, NTK Doãn Huy cho rằng, các nhà thiết kế trẻ có thể biến tấu áo dài thành những trang phục theo phong cách thời trang của họ, miễn họ đừng đặt tên cho những trang phục đó là áo dài truyền thống hay trang phục dân tộc. Sáng tạo với áo dài phải ở mức độ vừa phải, chứ không thể phản cảm và gây tranh cãi với “độ ngắn” của váy nhưng vẫn gọi là áo dài thì thật khó chấp nhận.

472753530_954033707264426
Bộ sưu tập áo dài của NTK Doãn Huy.

“Áo dài thể hiện dấu ấn văn hóa của Việt Nam và là quốc phục, nên cần được bảo tồn và phát huy giá trị đó. Áo dài truyền thống có những yêu cầu về chuẩn mực, ngoài áo còn có khăn và quần trắng hai ống. Hiện các nhà văn hoá đang cố gắng giữ gìn những truyền thống ấy, nên các nhà thiết kế thời trang cần phải hiểu để tránh gọi tên những trang phục ‘quá ngắn’ là áo dài”, NTK Doãn Huy cho biết.

Theo NTK Doãn Huy, áo dài khi được người phụ nữ mặc lên sẽ thể hiện được sự e lệ, dịu dàng, kín đáo và duyên dáng của người phụ nữ Á Đông. Nếu giới trẻ cho rằng áo dài có thể cách tân váy ngắn, đi đứng xông xênh thì đã đi ngược lại ý nghĩa của chiếc áo dài. 

“Sự cách tân cần có giới hạn, chuẩn mực văn hoá. Không thể cứ tự do sáng tạo một cách thiếu hiểu biết rồi quảng cáo sản phẩm với tên gọi áo dài truyền thống được. Nếu không hiểu và có tâm với chiếc áo dài, dần dần thế hệ trẻ sẽ có cái nhìn lệch lạc về quốc phục Việt Nam”, NTK Doãn Huy chia sẻ.

z6215977776188_062d146aa9
Nghệ nhân Nguyễn Thị Đoan Trang (áo dài đỏ) cùng bộ sưu tập Hoàng Kim tại "Lễ hội thêu và trang sức vàng quốc tế 2".

Theo nghệ nhân, NTK áo dài Nguyễn Thị Đoan Trang, các mẫu áo dài cách tân nên được xem là thời trang thông thường chứ không nên gọi là áo dài truyền thống. Do đó, các nhà thiết kế, hãng thời trang khi cho ra mắt các sản phẩm cần đặt tên đúng nhất để tránh gây tranh cãi.

“Áo dài cách tân là một phong cách thời trang và chúng ta không nên phê phán điều này. Nhất là khi giới trẻ đang ưa chuộng những mẫu áo dài cách tân như vậy. Tuy nhiên, những mẫu trang phục này không nên được gọi là áo dài truyền thống, như vậy sẽ vô tình khiến nhiều người hiểu sai về áo dài”, nghệ nhân, NTK áo dài Nguyễn Thị Đoan Trang chia sẻ.

Được biết, nghệ nhân, NTK áo dài Nguyễn Thị Đoan Trang là giám đốc một cơ sở thêu may truyền thống tại phường Gia Hội, thành phố Huế. Hiện bà là Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân, Phó chủ tịch Hội may thêu thời trang tỉnh Thừa Thiên Huế và đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý, được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Việt Nam năm 2016.

Năm 2016, nghệ nhân, NTK áo dài Nguyễn Thị Đoan Trang là một trong 3 đại diện của Việt Nam được mời tham gia triển lãm, giới thiệu những giá trị văn hóa dân tộc tại đất nước Hàn Quốc. Bà là người đại diện duy nhất trong lĩnh vực áo dài để giới thiệu về bộ sưu tập “Áo dài cung đình Huế” do chính tay chị tỉ mỉ và nghiêm túc thực hiện.

Cấu tạo cơ bản của áo dài truyền thống

– Cổ áo: cao khoảng 4 – 5cm, được xử lý dưới dạng cổ tròn, cổ trụ, cổ trái tim, cổ chữ U,… Trên cổ áo thường đính thêm ngọc hoặc một số họa tiết cầu kỳ, bắt mắt.

– Thân áo: tính từ cổ dọc xuống eo, với điểm nhấn là phần cúc được kéo từ cổ chéo sang vai rồi đi thẳng xuống ngang hông. Tính từ eo, thân áo dài bắt đầu được xẻ ra thành hai tà riêng biệt, vị trí xẻ tính từ hông người mặc.

– Tà áo dài: chia thành tà trước và tà sau. Độ dài tà áo bằng nhau hoặc có thể chênh lệch một chút. thường là tà trước ngắn hơn. Tà áo dài là nơi tập trung các họa tiết nổi bật, tiêu biểu như hoa văn hoặc những vần thơ được in/thêu tỉ mỉ.

– Tay áo dài: được tính từ phần vai áo và may ôm sát vào cánh tay. Tay của áo dài truyền thống thường là dạng tay lỡ hoặc đến giữa cổ tay.

– Quần áo dài: là phom quần ống rộng dài đến gót chân. Chủ yếu sử dụng những loại chất liệu mềm, rũ như lụa hay gấm. Ban đầu, quần áo dài thường có màu trắng. Tuy nhiên ngày nay đa phần mọi người thường may áo – quần cùng tone màu để tạo cảm giác đồng bộ hơn.

Cùng chuyên mục