TP HCM đảm bảo nguồn hàng ổn định dịp Tết, người dân không cần trữ lương thực
Dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn tại TP HCM đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường.
Tại buổi làm việc với TP HCM về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ngày 13/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng yêu cầu ngành công thương TP HCM tiếp tục bám sát công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa; theo dõi diễn biến thị trường, nhất là những mặt hàng trọng yếu như thịt lợn, rau của quả; kết nối cung cầu hai chiều và đa chiều trong phân phối, bán lẻ; thông tin nguồn cung hàng hóa đến người dân.
Đồng thời, lực lực QLTT TP HCM phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra hàng hóa từ đầu mới về nơi tập trung, không chờ hàng hóa ra thị trường mới kiểm soát. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải dựa trên tình hình thực tế để điều tiết lượng hàng hóa, đánh giá sức mua và phát huy lợi thế nhóm hàng hóa đặc sản vùng miền trong nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Tết.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, Sở đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất, cung ứng, nắm chắc tình hình sản xuất tại vùng nguyên liệu…; xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa.
Các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả...
Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc các chợ đầu mới, chợ dân sinh, các hệ thống cửa hàng, siêu thị theo dõi nắm bắt thị trường để chuẩn bị nguồn cung hợp lý, đảm bảo tình hình giá cả hàng hóa ổn định.
Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết. Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.
Về giá cả, giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, Chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Không lo thiếu nguồn cung hàng hóa tại siêu thị
Trưởng Ban quản lý hệ thống bán lẻ, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) Vũ Dương Quân cho biết, đã hợp tác với các doanh nghiệp thành viên và đối tác để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết với khả năng cung ứng trong tháng Tết Ất Tỵ ước đạt 3.600 tấn, tăng 29,4% so với tháng thường và tăng 10% so với tháng giáp Tết năm trước.
Tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, bao gồm: Mặt hàng tươi sống với 1.000 tấn, tăng từ 5% đến 8% so với cùng kỳ; thực phẩm chế biến, với 3.700 tấn, tăng từ 5% đến 8% so với cùng kỳ. Các mặt hàng khác (gạo, nước mắm, thực phẩm chế biến, trứng, muối, hàng tiêu dùng thiết yếu mang nhãn hàng riêng Satra), với khoảng 50 tấn.
Ngoài ra, hệ thống bán lẻ Satra đã cùng Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền chuẩn bị nguồn hàng rau củ quả, trái cây với sản lượng 15 – 20 tấn/ngày để phục vụ người dân TP HCM dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa lương thực thực phẩm của hệ thống bán lẻ Satra dự trữ cho 2 tháng trước và sau Tết ước đạt 426 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Giáp Thìn 2024.
Từ ngày 2/1, đại diện Saigon Co.op thông báo toàn bộ hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife... sẽ mở cửa sớm hơn một tiếng so với ngày thường nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết ngày càng tăng.
Bắt đầu từ trung tuần tháng 1, các đơn vị này sẽ phục vụ đến 23h, tuy nhiên trên thực tế, Co.opmart và Co.opXtra sẽ chỉ đóng cửa khi người khách cuối cùng hoàn thành việc mua sắm. Đặc biệt, hệ thống sẽ chỉ nghỉ đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán (nhằm ngày 29/1/2025) và mở cửa trở lại vào mùng 2 Tết, đảm bảo phục vụ khách hàng xuyên suốt mùa Tết.