Thứ ba, 14/11/2023, 11:35 (GMT+7)

Hà Nội lên phương án dự trữ hàng Tết 2024

Đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán 2024, ngành Công Thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến.

Thông từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành Công Thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023 để đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp cao điểm Tết 2024 của người dân.

Đồng thời, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung, tổ chức các điểm bán hàng, đảm bảo giá cả ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Bên cạnh đó, Sở khuyến khích các cơ sở kinh doanh tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng trong dịp cao điểm Tết Giáp Thìn 2024.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tăng cường phối hợp với các tỉnh để nắm bắt nguồn cung đối với những mặt hàng thiết yếu như nông sản, đặc sản truyền thống của các tỉnh, qua đó ngăn chặn tình trạng đứt hàng, khan hàng dẫn đến hiện tượng tăng giá đột biến. 

Bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
Bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết.

Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.

Hà Nội hiện có 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn,…

Trước đó, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị 13/CT-BCT năm 2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực. Trong đó, tập trung kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Cùng chuyên mục