Thói quen nào khiến sự lo âu trở nên nghiêm trọng hơn?
(Tiepthigiadinh) - Lo âu thường liên quan đến các sự kiện hằng ngày như căng thẳng trong công việc hoặc đối mặt với những thay đổi lớn. Hãy chú ý đến những chi tiết nhỏ trong cuộc sống để không mắc phải những thói quen không tốt cho cảm xúc.
Lo âu là cảm xúc gì?
Lo âu là một cảm xúc hoặc phản ứng tâm lý xảy ra khi xuất hiện những tình huống mang tính đe dọa hoặc áp đảo. Mặc dù đây là một phản ứng tự nhiên, nhưng nếu kéo dài trong một thời gian dài thì có thể sẽ phát triển thành chứng rối loạn lo âu. Do đó, để tránh mọi việc có thể tồi tệ hơn, điều quan trọng là bạn cần phải biết những thói quen hoặc hành vi làm trầm trọng thêm sự lo âu.
Lo âu thường liên quan đến các sự kiện hoặc khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, nó có thể trở thành chứng rối loạn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Những yếu tố này phần lớn có liên quan đến môi trường và thói quen của chúng ta. Lo âu có thể liên quan đến các yếu tố như:
- Tích tụ căng thẳng trong thời gian dài
- Sử dụng chất kích thích
- Đau khổ hoặc phát bệnh
- Các sự kiện gây căng thẳng như chia ly hoặc di cư
Thói quen nào khiến sự lo âu trở nên trầm trọng?
Có rất nhiều yếu tố hàng ngày ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn mà đôi khi bạn không nhận ra. Lo âu là một trong những cảm xúc bị ảnh hưởng và có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn không quan tâm đến môi trường của mình.
Thiếu ngủ
Giấc ngủ là phần quan trọng nhất trong thời gian nghỉ ngơi của bạn và nó đóng một vai trò thực sự quan trọng trong việc kiểm soát căng thẳng.
Thiếu ngủ có thể khiến bạn tìm kiếm thêm căng thẳng để tỉnh táo. Điều này khiến cơ thể bạn phản ứng như thể đang ở trong một tình huống nguy hiểm, giải phóng nhiều cortisol hơn, tăng nhịp tim và tạo ra trạng thái tỉnh táo. Trạng thái tỉnh táo này làm tăng cảm giác lo âu, sợ hãi và bồn chồn. Nó khiến tình trạng lo âu trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là nếu thiếu ngủ trong một khoảng thời gian dài.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Các bằng chứng khoa học cho rằng chế độ ăn uống không cân bằng hoặc không đầy đủ có thể tăng nguy cơ lo âu. Một nguyên nhân trong số đó là do ăn uống thiếu chất dẫn đến lượng đường trong máu giảm khiến các triệu chứng lo âu xuất hiện. Việc bổ sung các chất như: canxi, omega-3, magie và vitamin B giúp cơ thể bạn chống lại được sự lo âu.
Tiêu thụ quá nhiều cafein, rượu hay nước tăng lực làm trầm trọng thêm sự lo âu của bạn. Những chất kích thích này hoạt động bằng cách nâng cao mức độ tỉnh táo và tăng nhịp tim của bạn. Hơn nữa, nếu bạn đã mắc chứng rối loạn lo âu, lạm dụng chất kích thích có thể tăng nguy cơ khiến bạn lên cơn hoảng loạn.
Đặc biệt, nếu tiêu thụ rượu quá nhiều, nó làm tăng mức độ serotonin và GABA, một chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng thư giãn. Tiêu thụ rượu khiến bạn có thể cảm thấy thoải mái và vui vẻ nhưng sau khi tác dụng “ngắn hạn” mất đi, cơ thể của bạn sẽ chuyển sang chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy, bởi vì nó cảm thấy thiếu trạng thái dễ chịu trước đó đã trải qua.
Dành quá nhiều thời gian ở nhà
Mối liên hệ giữa việc không ra khỏi nhà và sự lo âu đã được chứng minh bằng trải nghiệm của đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, khi bạn ở nhà trong một thời gian dài mà không bận rộn, nỗi sợ hãi và lo âu của bạn sẽ tăng lên. Tình trạng này còn tồi tệ hơn khi bạn ở một mình, chìm đắm vào mạng Internet và không thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào.
Bạn nên biết, chỉ cần 10 phút tập thể dục hàng ngày có thể giảm tới 25% nguy cơ phát triển chứng lo âu. Do đó, hãy duy trì liên lạc với mọi người, ra ngoài và giao lưu nhiều hơn.
Vô tổ chức
Việc thiếu tổ chức và kỷ luật có thể làm gia tăng sự lo âu. Việc không sắp xếp thời gian và thậm chí cả tâm trí của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân, khiến bạn quên các chi tiết hoặc cuộc hẹn quan trọng. Nếu danh sách nhiệm vụ hoặc mục tiêu của bạn lộn xộn, điều đó dẫn đến sự trì hoãn, bỏ cuộc.
Đè nén tình cảm
Cố ý tránh né phiền não ngược lại sẽ khiến con người dễ bất an, lo lắng nhiều hơn. Thói quen xấu đè nén tâm trạng, tình cảm khiến cho áp lực bị “nội sinh hóa”, không được phát tiết kịp thời ra ngoài khiến sức khỏe lẫn tâm lý đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Chuyên gia David Spiegel - Phó chủ nhiệm khoa “Khoa học hành vi và bệnh tâm thần” của trường đại học Stanford cho biết: “Trốn tránh không phải là biện pháp tốt nhất, càng trốn tránh, vấn đề càng trở nên rối rắm và tệ hơn. Đối với những chuyện tạp thành áp lực, tốt nhất là bạn nên học cách tăng khả năng kiểm soát chúng, tích cực đối mặt và tìm giải pháp thích hợp”.
Nếu bạn muốn giữ cân bằng và ngăn chặn sự lo âu của mình, hãy xây dựng một cuộc sống lành mạnh với những thói quen tốt. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không thể kiểm soát được sự lo âu của mình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.