Thứ ba, 22/11/2022, 10:49 (GMT+7)

Tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới

P.V (Theo Tiếp thị & Gia đình)

(Tiepthigiadinh) - Gạo Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao, tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao.

Hiện nay, bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiến bộ trong sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao. Sản lượng khoảng 24 triệu tấn/năm. Gạo phục vụ xuất khẩu từ 6-8 triệu tấn/năm, trị giá 3,7 tỷ USD.

So với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long từ 4,3 triệu ha đã giảm xuống còn 3,8 triệu ha, sản lượng đạt gần 3,8 triệu tấn. Nguyên nhân là do chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái, nuôi thuỷ sản. Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 6 triệu tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo năm 2022 đạt trị giá khoảng 2,9 tỷ USD.

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn, xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng, nhưng tăng về giá trị. Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản.... Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn một số hạn chế như: sử dụng lượng giống sạ còn cao, thời gian xuống giống kéo dài, chưa an toàn với né rầy, hạn, mặn và mưa lũ; vật tư đầu vào chưa đảm bảo chất lượng, sử dụng cũng chưa tiết kiệm; liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chặt chẽ; kho bãi thiếu thốn.

Ông Phan Minh Thông - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn cho biết, gạo Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao. Đối với hợp đồng tiêu thụ, thì tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao.

gao Viet Nam tiepthigiadinh
Gạo Việt còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế

Câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Có một khó khăn nữa là trong khâu thanh toán thu mua lúa nguyên liệu. Doanh nghiệp có tiền, có tài khoản nhưng không thanh toán được cho nông dân vì họ chưa quen với ngân hàng số. Nông dân vẫn có tâm lý muốn nhận tiền mặt ngay sau khi bán lúa, buộc doanh nghiệp phải mang theo số tiền lớn, dễ rủi ro…

Do đó, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông – cho rằng, để phát triển ngành hàng lúa gạo, cần sự liên kết, vào cuộc của nhiều nhà, như nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà quản lý.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn, so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.

Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.

Ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước chuyển mình thay đổi để hướng tới sản xuất cánh đồng mẫu lớn, chuyên nghiệp. Tuy vậy, sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sử dụng lượng giống rất lớn khiến chi phí đầu vào bị đội lên nhiều lần, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học,… Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu gạo mạnh để tạo nên thương hiệu gạo quốc gia.

Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn gắn với nông dân và xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng cần dẫn dắt, trở thành hình mẫu cho ngành sản xuất lúa nước nhà. Qua đó, tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục