Thứ tư, 12/04/2023, 14:41 (GMT+7)

PCI 2022: Hà Nội và TPHCM tụt hạng sâu

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

TPHCM tụt 13 bậc xuống vị trí thứ 27 trong khi năm 2021 ở vị trí thứ 14, còn Hà Nội tụt 10 bậc xuống vị trí thứ 20, rời khỏi top 10 PCI sau nhiều năm liền góp mặt.

Trong buổi công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 diễn ra vào ngày 11/4, hai trung tâm kinh tế của cả nước là Hà Nội và TPHCM giảm mạnh thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI 2022. Cụ thể, năm 2022, TPHCM tụt 13 bậc xuống vị trí thứ 27 trong khi năm 2021 ở vị trí thứ 14, còn Hà Nội tụt 10 bậc xuống vị trí thứ 20, rời khỏi top 10 PCI sau nhiều năm liền góp mặt.

PCI 2022 Tiepthigiadinh H1
Hà Nội đứng thứ 20 và TPHCM đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng PCI 2022. Ảnh: Báo cáo PCI

Báo cáo PCI 2022 cho thấy, TPHCM có 2 chỉ số có kết quả thấp nhất là "tính năng động của chính quyền tỉnh" đứng thứ 62/63 tỉnh thành của cả nước và chi phí không chính thức xếp thứ 60/63 cho thấy sự đánh giá bộ máy hành chính còn nhũng nhiễu, phiền hà.

Các chỉ số khác như: Gia nhập thị trường xếp thứ hạng 43; tiếp cận đất đai xếp thứ 54 cũng dưới mức trung bình. Điểm sáng trong các điểm số thành phần của TPHCM là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có kết quả tốt nhất cả nước hay chỉ số đào tạo lao động đứng thứ 10 cả nước.

Hà Nội có 2 chỉ số xếp thứ 5 từ dưới lên là Gia nhập thị trường và Tiếp cận đất đai làm giảm điểm mạnh. Tính năng động của chính quyền tỉnh cũng bị đánh giá chỉ ở mức 53/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội duy trì được điểm số cao ở 2 chỉ tiêu Đào tạo lao động xếp thứ 3/63 và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 9/63.

Trong 5 năm gần đây, Hà Nội và TPHCM chưa từng lọt vào top 5 tỉnh dẫn đầu cả nước, lý giải về tình trạng này, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, không thể so sánh về quy mô và số lượng doanh nghiệp giữa Hà Nội, TPHCM với Quảng Ninh (thành phố liên tục dẫn đầu về chỉ số PCI trong 6 năm gần đây).

PCI 2022 Tiepthigiadinh H2
Ảnh: Báo cáo PCI

Số lượng doanh nghiệp của Quảng Ninh nhỏ hơn nhiều lần nên được phục vụ tốt hơn, trong khi Hà Nội và TPHCM tập trung phần lớn doanh nghiệp của cả nước nên có nhiều vấn đề phải giải quyết hơn. Đối tượng doanh nghiệp ở Hà Nội, TPHCM cũng đa dạng hơn, trong khi những tỉnh trong tốp đầu như Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp... có số lượng doanh nghiệp không nhiều, có ít vấn đề phát sinh hơn nên phản ánh của doanh nghiệp với hoạt động điều hành kinh tế của chính quyền cũng có sự khác biệt.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, môi trường kinh doanh của Hà Nội và TPHCM đã có những thay đổi nhất định nhưng mức độ thay đổi chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp, trong khi đối tượng doanh nghiệp rất rộng. Hai địa phương này đều còn dư địa để cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, vấn đề là chính quyền địa phương có thực sự muốn thay đổi để tốt hơn hay không.

Bên cạnh đó, bộ chỉ số PCI cũng cần thay đổi một số chỉ số để đánh giá được cả yếu tố về quy mô, số lượng doanh nghiệp các tỉnh thành. Không nên so sánh Hà Nội, TPHCM với các tỉnh thành nhỏ hơn vì mức độ phát triển khác nhau.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, các trung tâm kinh tế lớn thường chịu biến động kinh tế nhiều hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kỳ vọng cải cách, thay đổi thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nơi khác, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn. Kết quả năm nay cho thấy chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cơ sở đang bị đánh giá thấp hơn trước đó, một số nơi đang không năng động, tích cực.

Gốc rễ của cải thiện PCI là làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hài lòng. Để làm được điều này, TP.HCM cũng như Hà Nội cần tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn như: cải thiện tốc độ giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện tinh thần hỗ trợ của cán bộ công chức, cần có sự chủ động vào cuộc của bộ máy chính quyền các cấp…

Đặc biệt, cần thúc đẩy hỗ trợ kinh doanh trở thành văn hóa chủ đạo trong nền hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phải thực chất, thân thiện với người dùng. Hầu hết các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu PCI 2022 có tốc độ ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục rất mạnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế.

Cùng chuyên mục