Gần 100 trăm chai gas lậu sắp tuồn ra thị trường, mức xử phạt như thế nào về hành vi buôn lậu
Cục Quản lý thị trường tạm giữ gần 100 trăm chai khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) các nhãn hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn (gas lậu) sắp tuồn ra thị trường.
Theo thông tin từ Cổng thông tin Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, Đội QLTT số 9 thuộc Cục Quản lý thị trường TPHCM phối hợp với UBND Phường Hiệp Bình Chánh và UBND Phường Tam Bình, TP Thủ Đức, tiến hành kiểm tra đối với 2 điểm kinh doanh gas có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng gas thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức đang chứa trữ, kinh doanh tổng cộng 81 chai LPG chai, loại 12 kg/chai không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa ; trị giá hàng hoá vi phạm là 28.710.000 đồng.
Cùng ngày, tại Hộ kinh doanh LPG địa chỉ tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức, Đoàn kiểm tra phát hiện đang chứa trữ kinh doanh 15 chai LPG chai, loại 12 kg/chai không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc; trị giá hàng hóa vi phạm là 5.400.000 đồng. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh trên hoạt động kinh doanh không xuất trình được Giấy chứng đủ điều kiện kinh doanh mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) theo quy định;
Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 9 ghi nhận cả 2 điểm kinh doanh trên đều không có sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi chai LPG đối với LPG chai bán tại cửa hàng theo quy định. Toàn bộ hàng hoá có dấu hiệu vi phạm được chuyển về kho tang vật để bảo quản, chờ xử lý theo quy định pháp luật.
Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: “4. Mức phạt tiền dành cho những hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định cụ thể như:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 -10.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Từ những quy định trên có thể thấy cá nhân khi có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 60 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa vi phạm.
Bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua biên giới trái quy định của pháp luật nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm; và có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề; hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cụ thể: Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam; ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;…
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.