'Mua sắm giải trí' kiểu quảng bá mới đem về chục nghìn đơn
Sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm giải trí (Shoppertainment) mang tới nhiều cơ hội lớn cho các thương hiệu, song cũng đặt ra nhiều vấn đề mua sắm của người tiêu dùng và thách thức trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Giải nghĩa Shoppertainment (Mua sắm giải trí)
Shoppertainment là phương thức marketing bán hàng kết hợp giữa hai yếu tố bao gồm mua sắm và giải trí. “Chiêu thức” trở thành xu hướng mua sắm trực tuyến và trở nên bùng nổ trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, đặc biệt là sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài. Hình thức bán hàng kết hợp với giải trí giải quyết đầy đủ các nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Bằng các hình thức như phát trực tiếp, sản xuất các video giải trí nhằm tạo ra sự tương tác với khách hàng, rất nhiều thương hiệu bán lẻ trên thế giới đã có mức tăng trưởng doanh số vượt bậc.
Sức mạnh của mua sắm giải trí
Hình thức marketing mua sắm giải trí mới lạ đã đem tới cho ngành thương mại điện tử bước phát triển đột phá, đánh dấu sự trỗi dậy và “lấn lướt” mô hình thương mại truyền thống.
Cơ hội bán hàng đắt khách
Mua sắm giải trí không phải là hình thức marketing mới nhưng chỉ thực sự bùng nổ trong giai đoạn Covid-19 và khoảng thời gian sau đó tới nay. Chẳng hạn như Taobao Live ra mắt từ năm 2016 nhưng mãi tới năm 2020 mới có sự bùng nổ doanh số bán hàng với số liệu tăng đến tới 150%. Tuy đây là thời điểm đại dịch bùng nổ mạnh mẽ ở Trung Quốc nhưng đồng thời cũng là khoảng thời gian “vàng” để bán sạch kho hàng.
Cuối tháng 2/2023, thương hiệu giày Thượng Đình “sống dậy” chỉ với một bài đăng quảng cáo đơn giản của nam rapper Hiếu Thứ Hai. Ngay sau đó, hàng loạt các nền tảng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh của người nổi tiếng và đẩy mạnh xu hướng mua giày giống iDol. Đặc biệt hơn, thương hiệu mà anh chàng muốn quảng cáo là Asia Sport (thương hiệu có thiết kế khá tương đồng với Thượng Đình). Chỉ với sự nhầm lẫn nhỏ, Thượng Đình đã có “cú lội ngược dòng” nhàn nhã nhất để bán cháy hàng. Đây chính là sức mạnh của mua sắm giải trí, trong đó yếu tố người nổi tiếng đã đẩy mạnh hiệu quả của phương thức bán hàng này.
Không chỉ giới hạn ở thương hiệu, việc “biến cảm xúc thành đơn hàng” của Shoppertainment cũng đẩy mạnh sự phát triển của sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, trong đó TikTok trở thành “đứa con cưng” của phương thức marketing khi ứng dụng rất tốt việc kết hợp mua sắm và giải trí. Thông qua việc xây dựng cho người dùng môi trường đăng tải nội dung sáng tạo, TikTok cũng cho phép cá nhân, thương hiệu tự do bán hàng.
Bằng cách này, TikTok dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng vẫn chứng minh tiềm lực khi sánh vai với hai ông hoàng là Lazada và Shopee trong Top 3 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Bên cạnh những video bán hàng sáng tạo, TikTok đang đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến - livestream. Người tiêu dùng được giải quyết nhu cầu mua hàng, bao gồm: giá cả, chi phí vận chuyển, chất lượng sản phẩm, mẫu mã,... ngay trong buổi phát trực tiếp và ngay lập tức.
Qua đó, người tiêu dùng sẽ có được cái nhìn tốt và nhanh hơn về sản phẩm mà mình muốn mua. Cộng thêm yếu tố của người có sức ảnh hưởng livestream cùng hiệu ứng đám đông mua hàng càng kích thích nhận thức muốn sở hữu món hàng của người tiêu dùng. Với thuật toán này, TikTok sẽ nhanh chóng có được miếng bánh to trong thị trường thương mại điện tử.
Thách thức của mua sắm giải trí là gì?
Bên cạnh những hiệu quả to lớn mà mua sắm giải trí đem lại thì hình thức marketing cũng đồng thơi đem tới nhiều thách thức phát sinh. Có thể nói rằng, Shoppertainment là con dao hai lưỡi nếu như người cầm chuôi không biết sử dụng đúng cách. Tiêu biểu gần đây là phiên livestream của KOC Võ Hà Linh kết hợp Dược liệu Hoa Linh để bán dầu gội Nguyên Xuân.
Do người bán không đưa thông tin rõ ràng khiến nhiều người lầm tưởng nhà phân phối bán phá giá, gây ảnh hưởng tới các kênh bán hàng truyền thống (đại lý, nhà thuốc). Hệ quả là Dược liệu Hoa Linh phải nhận cái kết ê chề, KOC bán hàng cũng bị người hâm mộ quay gót bỏ đi. Như vậy, việc triển khai các bài toán khi thúc đẩy mua sắm trực tuyến phải được tính toán hợp lý và chi tiết để không xảy ra các vấn đề nhỏ - hậu quả to.
Chuyên gia cũng cho rằng các nội dung hấp dẫn trên TikTok khiến người mua rơi vào tình trạng mua sắm quá mức. Theo một khảo sát của TikTok vào năm 2021, sau khi xem video trên TikTok, 89% người tiêu dùng đã mua hàng ngoài kế hoạch. Những thuật toán trên các nền tảng hiện nay thường cố gắng khiến mọi người bị nghiện chúng hơn là cung cấp cho họ những gì họ thực sự muốn.
Bên cạnh đó, thuật toán cũng làm gia tăng tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Việc video trên TikTok chỉ hiện thị nội dung cùng tương tác người dùng, không có không gian tìm kiếm khiến người dùng không thể tìm kiếm thông tin xác thực từ hình ảnh. Hơn thế nữa, TikTok là ngôi nhà của các KOC, KOL, việc định hướng những người trải nghiệm dẫn đầu cũng khiến người tiêu dùng tin tưởng và dựa dẫm vào lời review. Từ đó, khả năng phân tích, nhận định sản phẩm cũng yếu ớt dần, dẫn đến trường hợp có thể bị lừa mua phải hàng giả.