Đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn trên cả nước
Hòa chung không khí của cả nước chuẩn bị chào mừng ngày lễ lịch sử 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tri ân đồng bào, đồng chí đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm, trải dài 3 miền Bắc - Trung - Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng.
Tại TP.HCM
Tại điểm cầu TP.HCM, sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Cùng dự tại điểm cầu chính Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Chương trình được truyền trực tuyến đến 79 điểm cầu của 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng dự tại điểm cầu huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh; cùng dự tại các điểm cầu có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương...
Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền bắc-trung-nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP.HCM đến tất cả các công trình, dự án.

Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì cho biết, theo tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư hơn 445.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ, tổng vốn các dự án khác là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng. Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.
Riêng tại TP.HCM - điểm cầu chính có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, có 6 công trình, dự án được khánh thành, khởi công gồm: Khánh thành Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; khánh thành Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn; khởi công hạng mục lấn biển thuộc dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ; khởi công dự án Vành đai 2 TP.HCM (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn).
Trước giờ buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay do Bộ Công an phối hợp các đơn vị tổ chức. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhằm góp phần tinh thần 2 mục tiêu phát triển 100 năm; nêu rõ, cần tập trung động lực khoa học công nghệ, là động lực quan trọng trong quá trình phát triển. Sự kiện này góp phần thiết thực hưởng ứng Nghị quyết 57 và 59/NQ-CP của Bộ Chính trị, đồng thời thể hiện nỗ lực bắt kịp, tiến cùng, vượt lên và dẫn dắt của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Cùng với 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, và nguồn nhân lực, chúng ta hôm nay đồng thời khánh thành và khởi công 80 công trình trọng điểm, góp phần bảo đảm đất nước ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ổn định để phát triển, có phát triển mới ổn định.
Tại Tây Ninh
Tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình nghệ thuật “Ký ức để lại” tại Tây Ninh, tri ân lực lượng Công an nhân dân và tái hiện ký ức cách mạng hào hùng.

Cùng tham dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các Ủy viên Bộ Chính trị: Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Chương trình “Ký ức để lại” có sự tham gia của hơn 500 diễn viên chuyên nghiệp, 120 chiến sĩ Công an nhân dân tỉnh Tây Ninh, đội kỵ binh, lực lượng quân khuyển và nhiều khí tài quân sự.
Trong thời lượng khoảng 90 phút, chương trình chia thành ba chương với sáu cảnh: “Xuân Cầu ký ức đỏ”, “Đường Trường Sơn huyền thoại” và “Đất lửa Tây Ninh”. Qua đó, khắc họa đậm nét thân thế, sự nghiệp cách mạng của Đại tá Tô Quyền và các tấm gương kiên trung của những nhà cách mạng tại Trung ương Cục miền Nam, Ban An ninh Trung ương Cục.
Không chỉ là một chương trình nghệ thuật, “Ký ức để lại” còn là lời tri ân sâu sắc đối với các thế hệ chiến sĩ Công an nhân dân đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước. Chương trình khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kết nối lịch sử với hiện tại, hướng về tương lai.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Cùng ngày 19/4, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng loạt tổ chức lễ thông xe kỹ thuật dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (điểm cầu chính); khởi công đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn từ quốc lộ 56 đến nút giao vòng xoay đường 51B,C); thông xe đoạn đường từ Nhà Lớn Long Sơn đến Quốc lộ 51 và cầu Cửa Lấp 2 thuộc dự án đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận; khánh thành Trung tâm Y tế quân - dân y Côn Đảo.
Dự buổi lễ tại điểm cầu chính dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng lành đạo các bộ, ban ngành Trung ương.

Dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 19,5km, vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang nền đường là 24,75m, giai đoạn hoàn chỉnh bao gồm 6 làn xe. Trên tuyến có 11 cầu và 1 hầm chui, có 2 nút giao khác mức, hệ thống đường dân sinh, diện tích đất thu hồi là 137,52 ha, ảnh hưởng đến 1.215 hộ, tổ chức. Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.190 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 18/6/2023.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế Quân - Dân y Côn Đảo, công trình dân dụng cấp III, với công suất 60 giường (giai đoạn 1), tiến tới quy mô 100 giường tương đương bệnh viện đa khoa hạng III cũng được khánh thành trong sáng nay.
Tại Khánh Hòa
Sáng cùng ngày 19/4, cùng với lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm trên cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), tại cao tốc Bắc - Nam đoạn thuộc xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa), Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ khánh thành và đưa vào khai thác 70,35km đoạn đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Xây dựng), Dự án Đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 11.808 tỷ đồng, dài 83,35km, có điểm đầu tại Km285+000, vị trí nút giao đầu hầm Cổ Mã, địa phận xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh); điểm cuối tại Km368+000, vị trí giao với Quốc lộ 27C thuộc xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), kết nối với đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Dự án được khởi công từ tháng 1-2023, theo hợp đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương, đến nay hơn 70km cuối tuyến của dự án (từ vị trí giao với Quốc lộ 27C đến nút giao Vạn Giã) đã hoàn thành.