Ngân hàng số nhăm nhe vào thị trường Việt Nam trong năm 2024
Tyme Group mong muốn thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua hợp tác sau khi đạt được thành công nhất định tại cuộc chơi ngân hàng số ở Philippines và Nam Phi.
Chưa đầy 5 năm sau khi ra mắt, TymeBank, một ngân hàng số tại Nam Phi của Tyme Group, cho biết nó đã đạt lợi nhuận ròng vào cuối năm 2023.
Theo Tyme Group, danh mục cho vay SME của TymeBank tăng trưởng 30% trong năm ngoái. Điều này giúp doanh thu năm của tập đoàn tăng lên 160 triệu USD. Tyme Group nói thêm rằng mảng kinh doanh tại Nam Phi đóng góp hơn 80% lợi nhuận trong năm 2023.
Đặt trụ sở tại Singapore, Tyme Group đã kêu gọi thành công khoảng 258 triệu USD vốn đầu tư. Bên cạnh Nam Phi, Tyme Group cũng hoạt động ở Philippines với GoTyme Bank, một liên doanh với tập đoàn địa phương Gokongwei Group.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tech In Asia, Coenraad Jonker, người đồng sáng lập TymeGroup, nhấn mạnh cách các ngân hàng số của ông đặt ki-ốt tạo các cửa hàng bán lẻ của đối tác để thu hút người dùng. Ông tin rằng mô hình phân phối trực tiếp – trực tuyến kết hợp này đã tạo ra sự khác biệt của Tyme với các đối thủ ở các thị trường mới nổi.
Vì sao lại là ki-ốt?
Hàng triệu người ở Nam Phi và Philippines mới chỉ tiếp cận được với các hệ thống ngân hàng truyền thống một cách hạn chế và họ được coi là những người không có am hiểu công nghệ. Tyme Group cố gắng vượt qua các rào cản này bằng hệ thống ki-ốt vật lý.
Được các “đại sứ” phục vụ, các ki-ốt này giúp người dùng đăng ký TymeBank và GoTyme Bank. Theo tập đoàn, 70% khách hàng ở thị trường Nam Phi và Philippines trở thành khách hàng của họ qua kênh ki-ốt.
TymeBank cho biết kể từ thời điểm ra mắt vào tháng 2/2019 ngân hàng này thu hút 8,5 triệu người dùng. Trong khi đó, GoTyme Bank có 2,3 triệu người dùng từ tháng 10/2022. Tyme Group nói rằng khoảng 73% tập người dùng ở 2 quốc gia này vẫn hoạt động hàng tháng.
Hiện tại, GoTyme Bank vận hành 462 ki-ốt ở Philippines, bằng gần 1/3 tổng số ki-ốt của TymeBank tại Nam Phi. GoTyme Bank đang đặt kế hoạch mở rộng mạng lưới ki-ốt tại Philippines trong năm nay, chủ yếu thông qua hệ thống cửa hàng rộng khắp cả nước của Gokongwei.
Dù vậy, khác với ngân hàng tại Nam Phi, GoTyme Bank định vị là một ngân hàng “khát vọng” để thu hút được tệp người dùng rộng hơn thuộc nhiều mức thu nhập khác nhau ở Philippines.
Jonker kỳ vong GoTyme Bank sẽ có lợi nhuận vào tháng 10/2025. Để đạt mục tiêu này, ngân hàng đang tối ưu các cải tiến sản phẩm cho vay doanh nghiệp nhỏ và vay tiêu dùng.
Mới đây, nó hợp tác với startup fintech Philippines PayMongo để cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp dễ dàng hơn. Số tiền phê duyệt tối đa có thể lên tới 8.900 USD.
Ở mảng cho vay tiêu dùng, Jonker nói tập trung ban đầu của ngân hàng là nhóm các cá nhân được trả lương.
Dù vậy, GoTyme Bank hiện chỉ nắm giữ 0,02% tổng dung lượng thị trường tiền gửi ở Philippines (tháng 6/2023), theo Fitch Ratings. Điều này cho thấy họ gặp không ít khó khăn trong việc thu hút vốn từ khách hàng.
Tyme Group nói rằng dữ liệu của Fitch Ratings phân tích tổng tiền gửi ngân hàng khi GoTyme Bank mới chỉ ra mắt được 8 tháng. Ngân hàng này cho biết thêm hiện tạ đang có 0,11% tiền gửi bán lẻ ở Philippines, theo ngko Sentral ng Pilipinas.
Ngân hàng đặt mục tiêu thu hút thêm tiền gửi bằng cách không chỉ thu hút nhóm người dùng chưa được ngân hàng phục vụ mà còn mở rộng ra nhóm khách hàng muốn chuyển từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số.
Liệu ngân hàng số có đáng tin?
Gần một nửa khách hàng của TymeBank ở Nam Phi sống ở vùng nông thông. Để có được niềm tin của khách hàng, hợp tác với các thương hiệu bán lẻ danh tiếng là vấn đề mấu chốt, ngân hàng này chia sẻ.
Tương tự, GoTyme Bank cũng hợp tác với các nhà bán lẻ ở Philippines như Robinsons Retail và Daiso. “Khách hàng cần thời gian để tin rằng ngân hàng số là mô hình đáng tin bởi họ không thấy chi nhánh nào”, Jonker nói.
Dù vậy, việc chưa có hệ thống tín dụng trung tâm ở Philippines là rào cản với hoạt động cho vay và là một thách thức với ngân hàng số. Ông Jonker tin rằng Philippines nên xây dựng hệ thống tín dụng trung tâm này hoặc đưa ra các chính sách điều hành nhân hàng cởi mở hơn.
Ngược lại, Nam Phi có hệ thống tín dụng với nhiều nguồn dữ liệu. Hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân tích cho vay tại đây.
Ông Jonker cho biết Philippines cung thiếu hệ thống định danh sinh trắc học mà ngân hàng có thể tiếp cận. Việc này khiến quá trình tìm hiểu và định danh khách hàng khó hơn ở Nam Phi.
Mở rộng thêm và giấc mơ IPO
Tyme Group đang chuẩn bị thâm nhập thị trường Việt Nam, nơi nó dự định sẽ cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ và cho vay tới SME.
Mặc dù thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, Tyme Group sẽ gặp những rào cản về quản lý tại đây. Hiện tại, Việt Nam chưa cấp giấy phép hoạt động cho ngân hàng thuần số. Vì thế, Tyme Group sẽ phải tìm cách vượt qua các khó khăn này thông qua hợp tác.
Mặc dù từ chối chia sẻ cụ thể về cách Tyme Group thâm nhập thị trường Việt Nam, ông Jonker cho biết sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam là ứng tiền mặt cho các nhà bán hàng vào quý II năm nay.
Bên cạnh đó, ông tiết lộ 3 yếu tố then chốt mà công ty tính đến khi cân nhắc các thị trường để rộng: chính sách quản lý có lợi cho ngân hàng số, sự hiện diện của nhiều đơn vị bán lẻ mạnh và nhiều khách hàng chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ. Ông chia sẻ thêm Tyme Group đặt mục tiêu IPO vào năm 2028.