Cách phân biệt giữa pha lê và thủy tinh
Pha lê và thủy tinh có vẻ ngoài tương đối giống nhau. Tuy vậy, có những cách để bạn phân biệt chúng thông qua độ trong suốt, khối lượng, âm thanh phát ra…
Thủy tinh và pha lê đều là những nguyên liệu của các món nội thất, trang trí phổ biến. Thủy tinh được làm ra bởi silica (cát thạch anh) còn pha lê được là bản nâng cấp của thủy tinh với độ mịn và đẹp cao hơn. Ngoài cát thạch anh, pha lê còn được bổ sung thêm từ 24% hàm lượng chì.
Khi nhìn bằng mắt thường, pha lê và thủy tinh có nhiều điểm tương đồng. Đối với những người chưa có kinh nghiệm sẽ khó để phân biệt giữa chúng với nhau.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn dễ dàng phân biệt giữa pha lê với thủy tinh để có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp.
So sánh trọng lượng
Để phân biệt đâu là thủy tinh và đâu là pha lê, bạn cầm 2 mảnh vật liệu trong tay rồi so sánh trọng lượng của chúng. Giữa 2 miếng cùng kích thước, bên nào nặng hơn thì chính là pha lê. Nguyên do rất đơn giản, bởi pha lê có chứa thêm hàm lượng chì trong đó nên khi cầm sẽ có cảm giác nặng và chắc tay hơn.
Độ tinh xảo
Thông thường, khi so sánh những chiếc cốc nhỏ có nhiều chi tiết, hãy quan sát kỹ về độ dày cũng như độ tinh xảo của nó.
Sản phẩm pha lê thường được làm mỏng hơn so với thủy tinh, các chi tiết bề mặt, đường viền cũng sắc sảo và tinh xảo hơn. Đặc biệt, chú ý đến phần cạnh được bo tròn đẹp mắt, khác với điểm sắc cạnh so với thủy tinh.
Độ trong suốt
So sánh độ trong suốt chính là một trong các cách hiệu quả để phân biệt giữa pha lê với thủy tinh.
Đối với sản phẩm là thủy tinh, dù là có cao cấp đến đâu thì khi nhìn kỹ bạn vẫn có thể các bọt khí nhỏ trong đó. Ngược lại, trên chất liệu pha lê, các bọt khí này thường được loại bỏ gần như tuyệt đối, mang lại độ trong suốt cao.
Kiểm tra độ lấp lánh
Việc kiểm tra sản phẩm dưới ánh sáng mặt trời cũng là cách hay để chọn được món đồ pha lê ưng ý. Không chỉ có độ trong suốt cao, pha lê khi soi dưới ánh sáng còn tỏa ra ánh lấp lánh đẹp mắt. Nó có thể tạo ra hiệu ứng lăng kính độc đáo.
Nhìn vào sản phẩm thấy ánh lấp lánh tựa cầu vồng thì rất có thể đây là pha lê. Ngược lại, nếu là thủy tinh thông thường, sản phẩm sẽ không có độ lấp lánh.
Đổi màu dưới ánh sáng đen
Ánh sáng màu đen đến từ các loại đèn đen, bề ngoài tương tự như đèn huỳnh quang hay đèn sợt đốt, song ánh sáng xuyên qua chúng sẽ mang đặc điểm khác hoàn toàn.
Khi chiếu ánh sáng đen, pha lê chuyển màu xanh lam hoặc tím do chứa hàm lượng chì cao. Nếu là thủy tinh, nó sẽ có màu xanh xỉn.
Âm thanh khi gõ vào
Ngoài việc kiểm tra bằng ánh nhìn, bạn nên test thêm âm thanh của sản phẩm. Dùng một chiếc thìa gõ nhẹ, nếu là chất liệu pha lê, âm thanh phát ra lớn, vang và rõ ràng. Ngược lại, tiếng nhỏ và đục hơn chính là sản phẩm có nguồn gốc thủy tinh.
Giá thành sản phẩm
Cuối cùng, hãy nhớ “chất lượng đi đôi với giá cả”. Trên thị trường, sản phẩm có chất liệu pha lê sẽ có giá cao hơn nhiều so với thủy tinh. Do vậy, một món có mức giá rẻ không thể là pha lê.
Tuy vậy, không phải lúc nào giá cao thì sẽ là pha lê. Bạn cần trang bị cho mình những mẹo trên để biết cách kiểm tra cơ bản chất lượng của món đồ. Điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi mua hàng, tránh các rủi ro về lừa đảo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.