Thứ sáu, 21/02/2025
logo
Xu hướng thị trường

Giải bài toán nhà ở xã hội

VIÊN VIÊN Thứ hai, 10/02/2025, 11:14 (GMT+7)

Nhà ở xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh và phát triển bền vững thị trường bất động sản. Tuy nhiên, phân khúc này vẫn đối mặt với nhiều thách thức về quỹ đất, vốn và thủ tục pháp lý. Để tháo gỡ vướng mắc, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất hàng loạt giải pháp thúc đẩy nguồn cung và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.

Vệ sinh máy hút mùi sạch bong dễ dàng trong vòng 1 nốt nhạc chỉ với những tuyệt chiêu này

Tiền trong tài khoản “bốc hơi” vì cài app dịch vụ công giả mạo: Nhận diện “bẫy” để tránh bị lừa đảo

Cổ phiếu ngành nào sẽ đón sóng tăng trưởng trong năm 2025?

Bước vào năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở xã hội. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội vẫn đang diễn ra nghiêm trọng. Từ năm 2021 đến nay, hầu như không có dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền nào được triển khai, trong khi phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tỷ lệ áp đảo trên thị trường.

Trước thực tế cho thấy, giá nhà tiếp tục tăng cao, vượt xa khả năng chi trả của người thu nhập trung bình và thấp. Trong khi đó, số lượng dự án nhà ở xã hội hoàn thành vẫn rất hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về các chính sách đột phá nhằm thúc đẩy phân khúc này phát triển, góp phần cân bằng thị trường bất động sản và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo HoREA, một trong những rào cản lớn nhất đối với phát triển nhà ở xã hội là thủ tục hành chính phức tạp, mất nhiều thời gian. Hiệp hội đề xuất Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư mà không cần thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

du-an-nha-o-xa-hoi-110815
Thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở vừa túi tiền.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. HoREA đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch ra khỏi phạm vi quản lý quân sự, công an để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Điều này sẽ giúp tạo thêm nguồn cung đất đai, góp phần giải quyết bài toán quỹ đất cho nhà ở xã hội.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội thông qua nhiều phương thức linh hoạt hơn, bao gồm đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất hoặc bố trí quỹ đất ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án.

Hiện nay, lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở xã hội vẫn còn cao, gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận nhà ở. HoREA kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng mức lãi suất vay ưu đãi 4,7%/năm thay vì 6,6%/năm như hiện nay để hỗ trợ người dân có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất miễn giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Đây là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này, đảm bảo nguồn cung nhà ở xã hội ổn định trong dài hạn.

"Hiện nay, nhiều công nhân và người lao động nhập cư đang sinh sống trong các khu nhà trọ dài hạn. Tuy nhiên, loại hình này chưa được công nhận là nhà ở xã hội, khiến chủ nhà trọ không thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ tín dụng và thuế. Hiệp hội đề xuất công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn là một loại hình nhà ở xã hội, từ đó giúp các chủ nhà trọ được hưởng ưu đãi về tín dụng và thuế, tạo điều kiện để nâng cấp chất lượng chỗ ở cho người lao động", ông Châu cho biết thêm. 

Bên cạnh đó việc đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư trong phát triển nhà ở xã hội cũng là một giải pháp nhằm thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Cụ thể, Nhà nước có thể hỗ trợ hạ tầng, miễn giảm thuế hoặc cho vay ưu đãi, trong khi doanh nghiệp chịu trách nhiệm triển khai dự án. Mô hình này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước và có thể giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam.

Năm 2024, cả nước chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội, đạt 16% kế hoạch và cách xa mục tiêu 130.000 căn đề ra. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến 2023, các địa phương mới chỉ hoàn thành khoảng 38.000 căn nhà ở xã hội. Để đạt mục tiêu 1 triệu căn vào năm 2030, mỗi năm thị trường phải cung cấp từ 130.000 - 150.000 căn.  

Nhà ở xã hội không chỉ là một giải pháp an sinh xã hội mà còn là động lực quan trọng giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Với những giải pháp đột phá về chính sách, thủ tục, tài chính và quỹ đất, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.

Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính nhằm tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nhà ở xã hội, giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở với chi phí hợp lý.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục