Làm sao để giải tỏa áp lực tài chính thời điểm gần Tết?
Gần Tết Nguyên đán, đa số mọi người, đặc biệt là những người trẻ, trụ cột kinh tế trong gia đình, phải đối mặt với những mối lo về tiền bạc. Chính vì thế, dù không khí lễ hội đang đến gần, nhiều người trẻ vẫn chưa dám nghĩ đến việc nghỉ xả hơi.
Anh Nguyễn Bé Tùng chia sẻ: “Mình làm thiết kế, tư vấn, đánh giá dự án, thiết kế bản vẽ công trình thì mới chỉ đủ chi tiêu. Dịp cận Tết, mình rất lo lắng, cố gắng hơn nữa để có một cái Tết trọn vẹn nhất”.
“Tết có sắm sửa được gì hay không phụ thuộc nhiều vào mình bởi ba mẹ ở quê đã lớn tuổi. Ba mẹ không đặt yêu cầu nhưng càng lớn, mình càng thấy phải nhận lấy trách nhiệm lo cho gia đình, điều này giúp mình trưởng thành hơn nhưng cũng lo lắng nhiều hơn khi Tết đến”, Nhật Nam tâm sự.
Khi Tết đến hàng trăm thứ phải chi và lo, tôi cảm thấy rất áp lực, có khi làm tích góp cả năm cả gia đình về quê là hết, vào Sài Gòn lại làm từ đầu. Với đồng lương ít ỏi của vợ chồng, nuôi hai đứa con ăn học, mỗi tháng dư chút ít gửi về cho cha mẹ ở quê mua thuốc lúc ốm đau. Đến cuối năm cả nhà chuẩn bị tiền để về quê đón Tết với ông bà nội ngoại nhưng cũng không dám mua sắm gì nhiều, gói gém lắm mới đủ chi phí, chị Mai Hồng chia sẻ.
Chị Ngọc là công nhân, chồng là thợ xây, tổng thu nhập mỗi tháng của gia đình chị khoảng 16-17 triệu đồng, vừa đủ để trả tiền trọ, ăn uống và gửi về quê cho các con. Để kiếm thêm thu nhập, chồng chị Ngọc còn tranh thủ chở hàng, chạy xe ôm những ngày không có việc hoặc cuối tuần.
Tuy nhiên, tiền tiêu Tết vẫn là nỗi lo lớn của chị bởi rất nhiều chi phí phát sinh. Chị nhẩm tính chi các khoản mua sắm, lì xì Tết, hiếu kính cha mẹ, trang trí nhà cửa, tiền xăng xe về quê và đi lại… cũng đã hơn 15 triệu đồng. Đó là không tính tiền tàu xe do năm nào anh chị cũng tự chạy xe máy về quê để tiết kiệm.
"Chồng tôi làm tự do nên không có thưởng Tết, chỉ có tôi năm nào cũng có thưởng nên chi tiêu phải tiết kiệm hết mức, chúng tôi gần như không mua sắm gì cho bản thân mà dành hết cho con, sắm Tết cũng tranh thủ mua tại các phiên chợ giảm giá…" - chị Ngọc nói.
Không riêng gì những trường hợp trên, rất nhiều người đều lo khoản chi tiêu, đi lại vào dịp Tết Nguyên đán. Chi phí tăng lên khiến họ chỉ biết trông chờ vào thưởng Tết và cố gắng tăng ca, làm thêm để có một khỏan tiết kiệm, giúp gia đình có một cái Tết đủ đầy.
Thạc sĩ Nguyễn Văn San (Phó trưởng khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) chia sẻ: “Bất cứ ai cũng có áp lực tài chính. Nếu không giải quyết vấn đề sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Quá căng thẳng dẫn đến hành động bồng bột, thiếu kiểm soát; lạc lối vào con đường vay mượn, cờ bạc. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến vô số tệ nạn xã hội. Chúng ta hãy thư giãn và thay đổi từng ngày, đừng để áp lực tài chính ảnh hưởng và chi phối hoàn toàn cuộc sống, ước mơ, sở thích”.
Thạc sĩ Nguyễn Đỗ Bích Nga (Bộ môn Tài Chính – Ngân hàng, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng) chia sẻ: “Để rõ ràng các khoản chi tiêu ngày Tết, chúng ta nên viết ra tất cả những khoản mà chúng ta cần phải mua sắm trong dịp Tết: Đồ trang trí, mỹ phẩm, quần áo, quà cáp, tiền biếu gia đình, bà con, tiền lì xì, cân nhắc “cái nào thật sự cần?, cái nào chúng ta thích?”, ưu tiên chi tiêu những cái cần trước và dự đoán chi phí, xem xét, điều chỉnh về giá cả và sản phẩm với ngân sách đặt ra, chỉ được chênh lệch 5-10% ngân sách”.
Thoát khỏi áp lực tài chính thời điểm gần Tết là áp lực khó khăn mà mỗi người phải tự tìm lời giải, bằng cách lập kế hoạch và giữ được sự kiên nhẫn, cùng với đó, hãy học cách chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Tết đến Xuân về là dịp sum họp đoàn viên, đừng để vấn đề tài chính làm ngày vui không còn trọn vẹn.