Xu hướng mua sắm Tết năm nay có gì đổi mới?
Với hàng nghìn chương trình khuyến mãi hấp dẫn và chính sách giá bình ổn, thị trường Tết năm nay không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng mà còn mang đến trải nghiệm mua sắm.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu các sản phẩm nội địa, nhờ vào hàng loạt chương trình khuyến mãi kích cầu và sự chuẩn bị chu đáo từ các doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng dành riêng cho hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, phục vụ thị trường Tết.
Các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Lượng hàng thiết yếu bình ổn giá tăng từ 4 - 6% so với cùng kỳ và chiếm từ 21% - 32% thị phần trong tháng bình thường; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến.
Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Thương mại Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định, giá cả các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn sẽ được giữ cố định trước và sau Tết. Các hệ thống phân phối chủ yếu nghỉ mùng 1 Tết và sẽ hoạt động trở lại từ mùng 2 để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo các chuyên gia thị trường, sức mua dịp Tết Ất Tỵ có thể tăng 2-3% so với năm ngoái, tập trung vào nhóm hàng thiết yếu và sản phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ ưu tiên các sản phẩm có khuyến mãi, trọng lượng nhỏ gọn để tiết kiệm chi phí.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, chia sẻ: “Dù nhu cầu tăng đột biến, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đáp ứng nhờ nguồn dự trữ hàng hóa đầy đủ. Đồng thời, giá cả hàng hóa sẽ được giữ ổn định để người tiêu dùng an tâm mua sắm".
Nhiều nhà bán lẻ đã đẩy mạnh khuyến mãi chưa từng có để tăng sức mua dịp Tết. Như hệ thống 800 điểm bán của Saigon Co.op đã tăng 30-50% lượng hàng hóa so với ngày thường, với hơn 12.000 tấn hàng dự trữ từ giữa năm và ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng. Từ nay đến 28/1/2025, Saigon Co.op giảm giá trên 3.500 mặt hàng Tết, đặc biệt chú trọng thực phẩm tươi sống và các sản phẩm đặc trưng như bánh chưng, bánh tét, giò chả.
Central Retail tập trung vào các giỏ quà đa dạng, giá từ 99.000 đồng đến vài triệu đồng, cùng các chương trình giảm giá 5-10,5% cho đơn hàng lớn. Bách Hóa Xanh mang đến ưu đãi lớn từ giảm giá, mua combo đến quà tặng và cam kết bình ổn giá thực phẩm tươi sống. Nhiều giỏ quà Tết được thiết kế hấp dẫn với mức giá từ 320.000 - 550.000 đồng.
AEON Việt Nam và MM Mega Market cũng không đứng ngoài cuộc với lượng hàng tăng 20-50%, cùng nhiều chương trình giảm giá mạnh từ 30-50% cho thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, thời trang và đồ gia dụng. Các siêu thị còn chú trọng vào giỏ quà sang trọng, giá cả hợp lý và dịch vụ mua sắm linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các doanh nghiệp và chương trình bình ổn giá từ cơ quan quản lý, thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 hứa hẹn sẽ sôi động và ổn định. Người tiêu dùng không chỉ được đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào mà còn có cơ hội tận dụng những ưu đãi hấp dẫn.
Trong bối cảnh thách thức kinh tế, Tết 2025 là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định vị thế, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, mang lại một mùa Tết đầy đủ và ý nghĩa.