Kinh nghiệm hành hương tại Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong những điểm du lịch tâm linh đặc sắc ở Vĩnh Phúc, tọa lạc ở sườn núi Thạch Bàn của dãy Tam Đảo. Sở hữu phong cảnh hết sức ấn tượng nên nhiều du khách luôn mong muốn một lần được đặt chân đến nơi đây để hành hương và vãn cảnh.
Giới thiệu về Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền Viện Trúc Lâm tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, được xem là một trong 3 kiến trúc thiền viện lớn nhất của nước ta. Đây không chỉ là nơi hội tụ các giá trị Phật Giáo số 1 Việt Nam mà còn trở thành điểm tham quan, vãn cảnh lý tưởng của du khách thập phương. Công trình này được xây trên nền đất của Thiên Ân thiền tự cổ có từ thế kỷ thứ 3 với diện tích rộng 4.5ha, khu vực rừng ngoại vi rộng 50ha, nằm trên độ cao 300m so với mực nước biển.
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên là vùng đất tâm linh sở hữu khung cảnh thiên nhiên núi non điệp trùng tuyệt đẹp cùng không gian chiêm bái thanh bình, tĩnh lặng. Hàng năm, có rất đông du khách ghé tới đây không chỉ để ngắm cảnh, tham quan mà còn cầu tài, cầu lộc, cầu bình an.
Nên đến Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên thời điểm nào?
Nằm trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe, Tây Thiên là một vùng sơn thuỷ hữu tình với hệ động thực vật phong phú và khí hậu quanh năm dịu mát. Chính vì thế nên bạn có thể đến Thiền Viện Trúc Lâm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, mỗi mùa là một trải nghiệm không giống nhau.
Nếu đi vào mùa xuân, bạn sẽ được trẩy hội để cầu tài, cầu lộc cho cả năm may mắn và tham gia nhiều hoạt động văn hoá độc đáo. Du lịch Tây Thiên vào mùa hè bạn sẽ được tận hưởng không khí thanh bình, tịnh tâm và được dự lễ sám hối, khóa tu mùa hè tại thiền viện. Đi vào mùa thu hoặc mùa đông để hít thở không khí trong lành của núi rừng. Mỗi mùa có một nét đặc sắc riêng nên bạn có thể đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Hướng dẫn di chuyển đến Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Xe máy
Xuất phát từ Thủ đô Hà Nội → đường Phạm Văn Đồng → cầu Thăng Long (lưu ý xe máy không được đi lên tầng 2 của cầu nên theo dõi biển chỉ dẫn để đi đúng làn ở tầng 1) → đi thẳng đường Nội Bài để đến Ngã 4 Nam Hồng → rẽ trái đi Mê Linh → đi thẳng theo biển chỉ dẫn để tới Vĩnh Yên → ở ngay đoạn đầu vào thành phố sẽ có các biển hướng dẫn đến Tây Thiên - Tam Đảo, các bạn cứ theo biển chỉ dẫn là sẽ đến được Thiền Viện.
Ô tô
Nếu đi bằng ô tô thì hãy đi theo hướng cầu Nhật Tân → đến ngã 4 của QL 2 thì rẽ phải đi Vĩnh Yên → rẽ vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai → ra khỏi cao tốc, ở nút giao IC4 quay đầu xe → đi thẳng hướng đi Tam Đảo → tới chân dốc Tam Đảo thì đi theo biển hướng dẫn là tới.
Phương tiện công cộng
Để đến được Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Đảo du khách có thể đi bằng phương tiện công cộng, tuy nhiên thời gian đi sẽ hơi lâu một chút (2 tiếng rưỡi từ Hà Nội). Bạn có thể bắt tuyến bus số 58, khi tới điểm dừng Mê Linh Plaza thì bắt tiếp xe bus VP01 để tới bến xe Vĩnh Yên, ở đây xuống xe và chuyển sang bus VP07 để đi chùa Tây Thiên.
Đi lại ở Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên như thế nào?
Đi bộ
Nếu bạn đảm bảo được vấn đề về thể lực, sức khỏe thì có thể lựa chọn việc đi bộ từ chân núi đến đỉnh Tây Thiên. Quãng đường đó dài khoảng 4km với nhiều đoạn đường rừng, lội suối khá thú vị. Đoạn đường cuối từ Đền Cô đến Đền Thượng được đánh giá là khó khăn nhất do có độ cao khá lớn, còn lại những đoạn khác khá dễ di. Thời gian để lên đến đỉnh mất tầm 2 - 3 tiếng.
Cáp treo
Nếu bạn muốn tiết kiệm sức lực và thời gian thì có thể chọn phương án đi cáp treo với thời gian 10 phút để lên được đền Thượng. Từ Đền Thỏng, bạn di chuyển đến ga cáp treo, vào mua vé rồi đi lên tầng 2 để vào cabin. Mỗi cabin có sức chứa tối đa là 6 người.
Kiến trúc độc đáo ở Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Các công trình ở Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên gồm có: nhà tổ, chánh điện, nhà trưng bày, nhà khách, cổng tam quan, lầu trống, lầu chuông,... Khu nội viện gồm: thiền đường, tăng đường, trai đường cùng các thất chuyên tu. Tất cả những công trình đó được xây tỉ mỉ, kỳ công mang đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc Á - Đông.
Những phù điêu, tranh tượng ở trên tháp trống, tháp chuông và trong ngoài chánh điện đều chứa đựng những dấu tích thời tiền sử nên thu hút được nhiều du khách chiêm ngưỡng. Ở đây còn có một thư viện hình bát giác nằm ngay trên đồi cùng bức tượng Phật cao đến 35m. Ngoài ra, còn có nhà ăn phục vụ các bữa cơm chay cho du khách và các phật tử.
Khung cảnh thiên nhiên ở Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Đến với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, bạn sẽ được thả trôi hồn mình trong một không gian hết sức trong lành và mát mẻ bên những ngọn đồi xanh mướt, những vườn hoa đang khoe sắc hay những hàng cây tỏa bóng mát. Ngồi ở đây, du khách cảm nhận được sự an yên đến lạ thường.
Đứng ở phía dưới chân núi nhìn kên, cả Thiền Viện thấp thoáng ẩn hiện trong mây mù, con đường lên đó quanh co, khúc khuỷu, bốn bề là mây, thông reo, gió múa, cảnh vật thanh tịnh vô cùng.
Những điểm tham quan xung quanh Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm
Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm được xây dựng từ năm 2009 và hoàn thành vào năm 2012 do ni sư thích nữ Thuần Giác xây dựng. Công trình này bao gồm chính điện để thờ Phật thích ca mâu ni, 1 nhà khách, 1 ngôi nhà tổ thờ các vị tổ thiền tông, 1 nhà ăn. Ngoài ra còn có thiền đường, ni đường cho các thiền sinh tụ hành.
Đại Bảo tháp Mandala
Đại bảo tháp Mandala được xây dựng theo kiến trúc Kim Cương Thừa, có chiều cao 29m, diện tích mặt sàn hơn 1.500m2. Đường kính kế 60m, Bảo tháp có 3 tầng với các hình dáng khác nhau tượng trưng cho 6 yếu tố tạo nên vũ trụ và sự sống, gọi chung là lục địa. Du khách thường ghé đến đây để chiêm ngưỡng, chiêm bái, cầu nguyện.
Đền Thõng - địa điểm du lịch gần Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Đền Thõng là cửa ngõ sẽ dẫn chúng ta đến với Mẫu. Đây là một quần thể kiến trúc nằm hòa quyện hoàn hảo với cảnh sắc thiên nhiên núi rừng. Đến đây, bạn sẽ được thấy 1 cây đa Chín Cội nằm ở ngay sân với niên đại đã hàng trăm năm tuổi.
Đền Thượng
Đền Thượng chính là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đây là vị thần chủ Tây Thiên và nữ vương của vùng núi Tam Đảo. Trước đây, bà đã có công trong việc hỗ trợ vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi non sông, dạy người dân trồng lúa.
Ăn gì ngon khi du lịch Tây Thiên?
Nếu đã tới Tây Thiên thì các bạn không nên bỏ qua những món đặc sản ở đây như:
-
Su su
Mỗi lần đến Tây Thiên, du khách sẽ bị ấn tượng với đặc sản của vùng này là rau su su. Đây là loại rau được dân địa phương trồng quanh năm trên những thửa ruộng cạn dọc con đường vào khu danh thắng hoặc trồng nhiều bên triền núi thành những giàn su su khổng lồ, xanh tốt quanh năm.
Các bạn có thể gọi các món như: su su xào tỏi, su su xào thịt bò hay su su luộc ăn kèm với muối vừng.
-
Lợn mán
Lợn mán cũng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: lợn hấp, lợn nướng hay rựa mận.
-
Gà đồi
Một trong những món ăn ngon, đặc sản ở Tây Thiên phải kể đến gà đồi, loại gà được nuôi thả rông, chạy bộ trên đồi núi để kiếm ăn nên thịt gà ở đây rất thơm, ngon và chắc thịt. Từ nguyên liệu này được người dân nơi đây chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như: gà đồi rang muối, gà đồi rang hành mỡ, gà đồi hầm… trong đó món gà đồi bọc đất nướng được xem là sự kết hợp từ tinh hoa đất trời nên món ăn thơm ngon này được rất nhiều người yêu thích.
Một số kinh nghiệm khi khi đến Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Dưới đây là một số lưu ý nhỏ khi đến Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên mà bạn nên nắm:
-
Nếu đi vào mùa hè thì hãy chuẩn bị thêm mũ, áo chống nắng và mang nước uống. Khi đi xuyên trưa, bạn hãy chuẩn bị trước một ít đồ ăn nhẹ.
-
Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì khi đến đoạn Trung tâm Lễ hội Tây Thiên nhớ đừng rẽ vào, hãy đi thẳng vào trong chân núi tránh phải đi bộ xa.
-
Nếu đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh thì hãy chuẩn bị thêm một đôi dép lê bởi khi leo núi có nhiều đoạn phải vượt suối, vì thế nếu đi giày thì rất dễ ướt.
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên luôn được du khách bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở miền Bắc. Đây chính là nơi để bạn được vãn cảnh núi non hùng vĩ, là nơi cửa Phật bình yên. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử một lần đến đây để trải nghiệm nhé!