Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 28/05/2024, 16:54 (GMT+7)

Bán xăng không đảm bảo quy chuẩn chất lượng, doanh nghiệp dính phạt nặng

Kinh doanh xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bảo Phương (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bị phạt hơn 204 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa.

Kinh doanh xăng dầu là nghành nghề kinh doanh có điều kiện, thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì mới được phép kinh doanh, như: Phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, thông báo thời gian bán hàng, treo biển hiệu của thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng…

Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bảo Phương (địa chỉ trụ sở chính tại số 27 Hùng Vương, phường Phước Hưng, TP Bà Rịa), do bà Nguyễn Thị Anh Đào làm Giám đốc.

Theo đó, doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bảo Phương đã thực hiện hành vi vi phạm bán hàng hóa là xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2022/BKHCN về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học. Với hành vi này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định xử phạt doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bảo Phương số tiền hơn 204,4 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn buộc doanh nghiệp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng và buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, động vật, thủy sản nuôi, tài sản, cây trồng và môi trường.

QLTT bac lieu
Lực lượng chức năng Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu) kiểm tra đột xuất doanh nghiệp tư nhân xăng dầu L. Kh. Bạc Liêu trên địa bàn huyện Hòa Bình. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu.

Tương tự, ngày 24/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8 thuộc Cục QLTT tỉnh Phú Thọ đã xử phạt hành chính 120 triệu đồng với 2 doanh nghiệp trên địa bàn về hoạt động kinh doanh và bán lẻ xăng dầu, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.

Cụ thể, đoàn kiểm tra Đội QLTT số 8 tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Tấn Lộc Phú Thọ (địa chỉ tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Qua kiểm tra, đoàn phát hiện doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm hành chính kinh doanh xăng dầu mà không có giấy phép kinh doanh xăng dầu (giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu) theo quy định. Với những vi phạm này, Công ty TNHH Tấn Lộc Phú Thọ bị xử phạt 50 triệu đồng.

Trước đó, đoàn kiểm tra Đội QLTT số 8 cũng kiểm tra đột xuất đối với Công ty CP Sunseaco Việt Nam (địa chỉ tại xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành chính: Thương nhân phân phối xăng dầu ký hợp đồng với đại lý bán lẻ xăng dầu không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình cấp thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 70 triệu đồng.

Hay, tại Bạc Liêu, doanh nghiệp tư nhân xăng dầu L.Kh. Bạc Liêu do ông V.Đ.C làm chủ cũng vừa bị Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu phạt 15 triệu đồng vì không treo biển hiệu của thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.

Không có giấy đăng ký kinh doanh xăng dầu có được bán lẻ xăng dầu?

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP), kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động: Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.

Bên cạnh đó, khoản 10 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP) quy định, thương nhân kinh doanh xăng dầu bao gồm: Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu; thương nhân phân phối xăng dầu; thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu; thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu; thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.

Trong khi đó, theo Điều 13 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP), điều kiện đối với thương nhân phân phối xăng dầu là phải được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu. Cơ sở phải có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000m3, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên.

Cùng đó, doanh nghiệp phải có phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên; có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc có hợp đồng dịch vụ thuê cơ quan Nhà nước có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Tiếp đến, doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, bao gồm tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 3 cửa hàng thuộc sở hữu; tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc các đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, theo quy định trên, nếu thương nhân phân phối xăng dầu không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu thì không đủ điều kiện để phân phối xăng dầu theo quy định pháp luật.

Kinh doanh xăng dầu không có giấy phép bị xử phạt như thế nào?

Điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP, điểm a, b khoản 3 Điều 4 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP về hành vi vi phạm khác về điều kiện kinh doanh xăng dầu quy định phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Kinh doanh xăng dầu mà không có giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 27 Nghị định này; kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực; sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân khác để kinh doanh xăng dầu; kinh doanh xăng dầu không đúng nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp.

Thêm nữa, khoản 7 Điều 20 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc nộp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Đáng lưu ý, theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức.

Mặt khác, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP cũng quy định, khi kinh doanh xăng dầu không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hoặc giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực hoặc giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã bị tước, bị thu hồi thì bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu. Đồng thời, chủ thể có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu từ 1 - 3 tháng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm.

Ngày 15/12/2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư Quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2022/BKHCN về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2023.

Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến an toàn: sức khỏe, môi trường và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với các loại xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học, bao gồm: Xăng không chì, xăng E5, xăng E10; Nhiên liệu điêzen, nhiên liệu điêzen B5; Nhiên liệu sinh học gốc: Etanol nhiên liệu không biến tính, etanol nhiên liệu biến tính và nhiên liệu điêzen sinh học gốc B100.

Các nhiên liệu trong Quy chuẩn kỹ thuật này có mã HS được quy định trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với các loại nhiên liệu sử dụng trong ngành hàng không và mục đích quốc phòng.

Cùng chuyên mục