Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 18/08/2024, 11:05 (GMT+7)

Kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, nhiều công ty, đại lý cung ứng bị phạt nặng

Sản xuất phân bón giả mạo nhãn hàng hóa; sản xuất, tiêu thụ phân bón kém chất lượng; kinh doanh phân bón không phép… là một số vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng phân bón bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Tràn lan phân bón giả, kém chất lượng

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, phân bón giả, kém chất lượng vẫn len lỏi vào thị trường, khiến người nông dân rơi vào tình trạng hoang mang và lo lắng. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý tình trạng trên, song không ít doanh nghiệp đã bất chấp tất cả để kiếm lời bất chính.

Mới đây, qua công tác nghiệp vụ, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu kinh doanh phân bón kém chất lượng do Công ty TNHH SX&TM Xuân Hà Ninh Bình (địa chỉ tại tổ 6, phường Nam Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) sản xuất.

Sau thanh tra, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các quyết định xử phạt đối 3 hộ kinh doanh buôn bán phân bón vi phạm về nhãn hàng hóa và chất lượng, với tổng số tiền gần 163 triệu đồng; buộc tiêu hủy hơn 10 tấn phân bón đang tồn kho là hàng giả về chất lượng tại 2 hộ kinh doanh ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa và xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn Thanh tra đã bàn giao hồ sơ, chuyển một vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lô hàng phân bón có khối lượng 40,475 tấn là hàng giả về chất lượng tại hộ kinh doanh ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

tiennong
Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông sản xuất kinh doanh phân bón không bảo đảm chất lượng. Ảnh: tiennong.vn.

Trước đó cũng tại Thanh Hóa, tháng 7/2024, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an cũng đã ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng về hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón không đảm bảo chất lượng đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (địa chỉ tại 274B, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Doanh nghiệp này do ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty.

Trong khi đó, tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 77,1 triệu đồng đối với hộ kinh doanh V.T.H.M về hành vi kinh doanh phân bón giả, phân bón vi phạm quy định về nhãn và vi phạm về điều kiện kinh doanh.

Theo đó, 4 hành vi mà hộ kinh doanh này vi phạm gồm: Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (do lô hàng lấy mẫu hộ kinh doanh đã bán hết cho người dân nên có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được tương đương với giá trị hàng hóa đã tiêu thụ là 16,6 triệu đồng); kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, một doanh nghiệp sản xuất phân bón tại TP Mỹ Tho đã bị xử phạt hơn 180 triệu đồng, do đã thực hiện 2 hành vi vi phạm, gồm sản xuất phân bón khi giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hạn; sản xuất 20 bao phân bón hỗn hợp NPK giả mạo nhãn hàng hóa bán cho hộ kinh doanh tại tỉnh Đồng Tháp.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành quyết định xử phạt gần 400 triệu đồng đối với 2 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn do đã có hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Mức phạt vi phạm quy định về buôn bán phân bón?

Theo quy định tại khoản 6, Điều 2 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP quy định buôn bán phân bón là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa phân bón vào lưu thông.

Bên cạnh đó, tại khoản 7, khoản 8 Điều 2 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP quy định, phân bón không bảo đảm chất lượng là phân bón có chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế không phù hợp với quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Còn phân bón giả về chất lượng là phân bón có một hoặc nhiều chỉ tiêu chất lượng chính chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức đăng ký trong quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (trừ chỉ tiêu chất lượng chính là vi sinh vật).

Tại Điều 9 Luật Trồng trọt năm 2018 cũng quy định các hành vi cấm cá nhân, tổ chức thực hiện, bao gồm: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; cung cấp thông tin về phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố; thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng phân bón.

Trong khi đó, theo Điều 22 Nghị định số 31/2023/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về buôn bán phân bón (trừ hoạt động nhập khẩu phân bón) như sau: Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

Song song đó, phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt 2018 trong quá trình hoạt động.

Cùng đó, phạt tiền với mức phạt cao nhất lên đến 60 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.

Đồng thời, Điều 5 Nghị định số 31/2023/NĐ-CP có quy định, mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Sản xuất, buôn bán phân bón giả có thể bị truy cứu hình sự

Theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi nếu thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón (được quy định tại Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015) thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

Tiếp đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; buôn bán qua biên giới; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu phạm tội hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 10 - 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cùng chuyên mục