Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 24/07/2024, 15:12 (GMT+7)

Hậu Giang: Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang vừa kiểm tra 48 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phát hiện nhiều lỗi vi phạm.

Theo Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã phối hợp cùng với cơ quan chức năng thanh, kiểm tra 48 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả kiểm tra phát hiện các lỗi vi phạm như: Buôn bán hàng hóa (phân bón) trên nhãn có chữ viết và các thông tin khác không đúng với bản chất, sự thật về hàng hóa đó, điển hình như phân bón hỗn hợp NP, NK nhưng trên nhãn có dòng chữ “DAP, D.A.P, Diammonium Phosphate”…; buôn bán hàng hóa có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam đã hết hiệu lực...và lấy 45 mẫu để phân tích kiểm tra chất lượng.

tải xuống
Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với Công an tỉnh thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón.

Kết quả phân tích cho thấy có 12 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 5 mẫu giả về chất lượng sử dụng công dụng, 7 mẫu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, chiếm 38% mẫu có kết quả phân tích.

Đối với các trường hợp vi phạm, đoàn thanh tra đã ban hành 11 quyết định xử phạt với tổng cộng số tiền phạt và thu lợi bất chính do hành vi vi phạm có được nộp vào ngân sách nhà nước là 124,9 triệu đồng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Hậu Giang ra quyết định xử phạt 01 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền 139 triệu đồng.

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người tiêu dùng cần mua các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu uy tín ở các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, tránh mua hàng trôi nổi, cẩn thận với các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, tặng quà để tránh bị lừa mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Người tiêu dùng nên ghi nhớ các thông tin trên bao bì sản phẩm hoặc giữ lại mẫu bao bì để làm “vật chứng” khi có vấn đề xảy ra. Khi có nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu khả nghi về chất lượng sản phẩm nên báo cho cơ quan chức năng gần nhất.

Cùng chuyên mục