Thứ tư, 14/05/2025
logo
Tiêu điểm

Sẽ mở rộng đối tượng miễn, hỗ trợ học phí trong Luật Giáo dục sửa đổi

Vi An Thứ tư, 14/05/2025, 15:25 (GMT+7)

Trong dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đang được lấy ý kiến, một nội dung đáng chú ý là việc mở rộng chính sách miễn và hỗ trợ học phí cho trẻ em và học sinh, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chính thức: Miễn học phí cho học sinh cả nước

Phụ huynh cẩn trọng sập bẫy "hoàn trả học phí"

TP.HCM miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ năm học 2025-2026

Theo đề xuất mới, khoản 3 Điều 99 của Luật Giáo dục được sửa đổi như sau: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang học tại các trường công lập sẽ được miễn học phí hoàn toàn. Trong khi đó, trẻ em và học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí học tập. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương.

Hơn 23 triệu học sinh trên toàn quốc có thể được hưởng lợi

Thống kê năm học 2023–2024 cho thấy, cả nước có khoảng 23,2 triệu học sinh các cấp. Trong số này, gần 93% học sinh theo học tại các trường công lập (tương đương 21,5 triệu em), và khoảng 1,7 triệu học sinh theo học tại các trường ngoài công lập.

Phân theo từng cấp học, có khoảng 4,8 triệu trẻ mầm non (trong đó 1 triệu học ngoài công lập), 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS và gần 3 triệu học sinh THPT.

Ngân sách dự kiến: Hơn 30 nghìn tỷ đồng

Tính toán sơ bộ theo mức học phí bình quân của ba vùng (thành thị, nông thôn, miền núi) dựa trên các nghị định hiện hành như Nghị định 81/2021/NĐ-CP và 97/2023/NĐ-CP, tổng kinh phí để triển khai chính sách này có thể lên tới khoảng 30.600 tỷ đồng. Trong đó, phần dành cho học sinh công lập chiếm khoảng 28.700 tỷ đồng, và phần dành cho học sinh dân lập, tư thục khoảng 1.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số thực tế sẽ phụ thuộc vào khung học phí cụ thể do từng địa phương ban hành theo thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.

lop-hoc-1512
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Khoảng 8.200 tỷ đồng ngân sách cần bổ sung 

Hiện tại, tổng kinh phí ngân sách nhà nước đã và sẽ chi để miễn, hỗ trợ học phí từ ngày 1/9/2025 theo quy định là khoảng 22.400 tỷ đồng. Trong số này, khối công lập chiếm 21.800 tỷ, còn khối ngoài công lập là 600 tỷ.

Khi chính sách mới được Quốc hội thông qua, ngân sách nhà nước cần bổ sung thêm khoảng 8.200 tỷ đồng – bao gồm 6.900 tỷ đồng cho học sinh công lập và 1.300 tỷ đồng cho học sinh dân lập, tư thục.

Ngoài ra, để đảm bảo hỗ trợ học phí cho hơn 431.000 người học chương trình giáo dục phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác (hiện đều là công lập), ngân sách cần thêm 774,2 tỷ đồng.

Tác động tích cực đến người dân và nền kinh tế

Chính sách mở rộng đối tượng miễn, hỗ trợ học phí không chỉ góp phần giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình – đặc biệt là các hộ khó khăn – mà còn tạo điều kiện để nhiều trẻ em có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng hơn. Bên cạnh đó, khoản học phí tiết kiệm được có thể chuyển hóa thành nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, góp phần kích thích nền kinh tế.

Điều đáng nói, việc mở rộng chính sách này sẽ không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, do quy trình và phương thức thực hiện đã được quy định đầy đủ tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Người dân vẫn sẽ tiếp cận chính sách một cách thuận tiện, nhanh chóng như hiện nay.

Đọc thêm
Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục