Thứ tư, 03/05/2023, 11:22 (GMT+7)

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 4 giảm mạnh

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2023 giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng 3/2023 và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 4 tháng, tổng giá trị xuất khẩu đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5%.

Tương tự như xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2023 cũng giảm. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 26 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng 3 và giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu đạt kim ngạch 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6% với giá trị 95,64 tỷ USD.

xuat khau Tiepthigiadinh H1
Xuất khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu gặp khó khăn nhất trong số các ngành

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ USD.

Tính chung 4 tháng, Việt Nam xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỷ USD.

Trong quý I, xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực như điện tử, máy tính, điện thoại, linh kiện, dệt may cũng đều đi xuống. Theo đánh giá của Bộ Công thương, nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn khi lạm phát cao, sức mua kém. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản có mức sụt giảm nhiều nhất. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều,... ít chịu tác động hơn.

Bên cạnh đó, nhiều nước áp dụng điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt với một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa... Chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro… cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, một điểm sáng của kinh tế trong nước 4 tháng đầu năm là tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng năm 2022. Con số này cao hơn 26,7% so với 4 tháng đầu 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch. Riêng tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng 3 và tăng 11,5% so với cùng kỳ 2022.

Cùng chuyên mục