4 yếu tố then chốt để có một kế hoạch truyền thông hoàn hảo cho năm 2025
Khi muốn lập kế hoạch truyền thông cho năm 2025, một báo cáo "Brand Audit" là công cụ hữu ích để thương hiệu có được hướng đi đúng đắn và toàn diện.
Bằng việc sử dụng dữ liệu lớn từ các công cụ giám sát mạng xã hội, doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ hiện diện, sự tương tác và cảm nhận của người tiêu dùng về thương hiệu, cũng như so sánh với các đối thủ cạnh tranh.
Đánh giá hiệu quả truyền thông thương hiệu
Để xây dựng kế hoạch truyền thông cho năm mới, việc đánh giá lại vị thế hiện tại của thương hiệu trên mạng xã hội so với các đối thủ là bước không thể thiếu. Điều này giúp thương hiệu nhìn nhận rõ ràng hơn về những nội dung, hoạt động và kênh truyền thông nào đã đạt hiệu quả và đâu là điểm cần cải thiện.
Ví dụ điển hình là Highlands Coffee, thương hiệu đã duy trì vị trí số 1 trong hai năm liên tiếp, với hơn 563,8 nghìn thảo luận trên mạng xã hội, chiếm gần 40% thị phần của Top 10 chuỗi cà phê được quan tâm nhất năm 2023. Thương hiệu này đã tận dụng thành công TikTok với những video sáng tạo, thu hút sự chú ý thông qua các sự kiện như săn sale merchandise và các chiến dịch bắt trend khác. Các bộ sưu tập mới liên tục ra mắt đã giúp Highlands thu hút hơn 90% thảo luận tích cực.
Tuy nhiên, bước sang quý II/2024, hai đối thủ cạnh tranh là KATINAT Coffee & Tea House và Phúc Long Coffee & Tea đã vươn lên mạnh mẽ, lần lượt giành lại vị trí số 1 từ tay Highlands, cho thấy tầm quan trọng của việc liên tục theo dõi và đánh giá đối thủ.
Phân tích đối thủ cạnh tranh và ngành hàng
Ngoài việc đánh giá nội bộ, việc theo dõi xu hướng và sự thay đổi trong ngành hàng là rất quan trọng khi xây dựng kế hoạch truyền thông. Những thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng, sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế hoặc nhập khẩu và sự nổi lên của các đối thủ mới đều có thể ảnh hưởng lớn đến chiến lược truyền thông của thương hiệu. Điều này yêu cầu các Marketers phải xác định rõ các kênh truyền thông mà đối tượng mục tiêu của thương hiệu ưu tiên, từ TikTok, Facebook, YouTube đến các diễn đàn và báo chí.
Trong ngành bệnh viện, các thương hiệu y tế cũng đang dần bắt kịp xu hướng và chuyển đổi nội dung truyền thông sang các nền tảng mạng xã hội. Những nội dung xoay quanh cảnh báo y khoa, truyền tải thông điệp qua các tình huống khéo léo hay các video cảm động ghi lại khoảnh khắc trong bệnh viện đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Một số bệnh viện còn tận dụng các kênh như YouTube để tạo ra các nội dung phản hồi trực tiếp từ người dùng, giúp tăng cường tương tác.
Lắng nghe cảm nhận khách hàng để điều chỉnh thông điệp
Để xây dựng một kế hoạch truyền thông hiệu quả, việc lắng nghe khách hàng và hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của họ là yếu tố vô cùng quan trọng.
Báo cáo "Brand Audit" giúp Marketers nhận diện được những cảm nhận thực tế của người tiêu dùng về thương hiệu: họ thích gì, ghét gì, và chia sẻ quan điểm ở đâu. Điều này giúp thương hiệu điều chỉnh thông điệp phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại, đảm bảo rằng những nội dung mà thương hiệu truyền tải không chỉ chính xác mà còn có giá trị đối với người tiêu dùng.
Một ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc hiểu rõ cảm nhận của khách hàng là vụ khủng hoảng truyền thông của Ngân hàng Eximbank vào cuối tháng 3/2024. Sau khi sự việc “nợ 8,5 triệu trả 8,8 tỷ” được lan truyền trên mạng xã hội, chỉ trong vòng bốn ngày đã có hơn 42 nghìn thảo luận liên quan, trong đó phần lớn là những phản hồi tiêu cực về ngân hàng.
Khủng hoảng này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Eximbank mà còn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với các dịch vụ tài chính nói chung. Các ngân hàng sau đó đã phải điều chỉnh chiến lược truyền thông, tăng cường thông tin về phí và lãi suất thẻ tín dụng để xoa dịu lo ngại của người tiêu dùng.
Nắm bắt xu hướng để nhanh chóng thích ứng với thị trường
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong truyền thông hiện đại là khả năng bắt kịp và tận dụng các xu hướng mới. Những trào lưu viral trên mạng xã hội có khả năng giúp thương hiệu tăng cường nhận diện với chi phí thấp nếu biết cách khai thác đúng lúc. Theo dõi sự biến động trên các nền tảng mạng xã hội giúp thương hiệu tạo kết nối gần gũi hơn với khách hàng và tạo dựng mối quan hệ dài hạn.
Một ví dụ tiêu biểu là xu hướng bánh Trung thu Mochi trong mùa Trung thu 2024. So với cùng kỳ năm 2023, lượng thảo luận về bánh Trung thu Mochi tăng gấp 7 lần, trở thành một cơn sốt trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều Tiktoker nổi tiếng đã bắt tay vào quảng bá các loại bánh Mochi với thiết kế hộp hoa sen và hương vị độc đáo. Sự nổi lên của bánh Trung thu Mochi không chỉ tạo nên một trào lưu mới mà còn thúc đẩy doanh số bán hàng online, với doanh thu đạt đỉnh trong tuần đầu tháng 8, lên đến 601,7 triệu đồng.
- 12 thương hiệu Việt tự hào được vinh danh tại giải thưởng YouTube Works Awards 2024
- Scan It - ‘vũ khí’ tối tân giúp thương hiệu kích cầu, bùng nổ doanh số dịp cuối năm
- 5 ‘thương vụ’ hợp tác đầy sáng tạo, độc lạ 'không giống ai' của các thương hiệu
- Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng
- Luật Quảng cáo (sửa đổi) cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển
- Bùng nổ sáng tạo tại Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam 2024: Khi thương hiệu kể chuyện từ trái tim