Hai loại mỹ phẩm thương hiệu đình đám Obagi bị thu hồi tại Việt Nam: Liệu có mất điểm với người tiêu dùng?
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn đình chỉ lưu hành và yêu cầu tiêu hủy trên toàn quốc hai lô mỹ phẩm Obagi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm này bị phát hiện chứa hóa chất hydroquinone vượt mức quy định trong mẫu kiểm nghiệm, gây lo ngại về an toàn cho người tiêu dùng.
Thu hồi sản phẩm thương hiệu mỹ phẩm danh tiếng Obagi
Theo công văn số 4200/QLD-MP ban hành ngày 30/12/2024, lô sản phẩm Obagi Nu-Derm Blend Fx (chai 57g) mang số lô 88011, hạn sử dụng 12/9/2026, sản xuất bởi G.S. Cosmeceutical USA, Inc (địa chỉ 131 Pullman Street, Livermore, CA 94551, USA) đã bị thu hồi do phát hiện chứa hydroquinone với hàm lượng 0,019%, vượt quy định cho phép.
Cùng ngày, công văn số 4201/QLD-MP đình chỉ lưu hành lô sản phẩm Obagi-C Fx C-Clarifying Serum (chai 30ml) mang số lô 81262, sản xuất ngày 17/3/2023, hạn sử dụng 17/3/2026, do Swiss-American CDMO LLC (địa chỉ 2055 Luna Road #126, Carrollton, TX 75006, USA) sản xuất. Mẫu kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng hydroquinone là 0,027%, cũng vượt mức cho phép.
Cả hai lô mỹ phẩm này được Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (địa chỉ 12-12A Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) phân phối tại thị trường Việt Nam.
Cục Quản lý Dược đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm ngừng ngay việc kinh doanh và sử dụng hai lô sản phẩm trên. Đồng thời, các đơn vị phải tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các sản phẩm không đạt chất lượng này.
Ngoài ra, các sở y tế được chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về lưu hành mỹ phẩm.
Obagi là một thương hiệu dược mỹ phẩm cao cấp được sáng lập bởi bác sĩ Zein Obagi vào năm 1988 tại tại Los Angeles, Mỹ, được biết đến với hơn 100 sản phẩm và xuất hiện tại hơn 3.500 phòng khám trên toàn cầu. Sản phẩm của Obagi đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Obagi Việt Nam, thành lập ngày 5/8/2022, là nhà phân phối chính hãng của thương hiệu này tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 2/2024, Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (Địa chỉ: 12-12A Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TP.HCM) từng bị xử phạt vì hành vi "Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế".
Theo đó, đơn vị này đã bị xử phạt 70 triệu đồng và buộc thu hồi và buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo. Trường hợp không có yếu tố vi phạm, sản phẩm buộc tiêu hủy theo quy định Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Liên quan đến sản phẩm có tên Obagi, ngày 27/8/2022, Đội QLTT số 2 phối hợp Phòng Nghiệp vụ 2 - Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra điểm chứa hàng và kinh doanh của ông H.Đ.Q. Phong tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.
Qua kiểm tra, Đội QLTT phát hiện 13.050 đơn vị sản phẩm nhãn hiệu Obagi là mỹ phẩm nhập lậu. Với hành vi vi phạm nêu trên của ông Phong, UBND TP.HCM ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt hơn 98 triệu đồng và buộc tiêu hủy 13.050 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm nhập lậu nhãn hiệu Obagi nêu trên.
Liên tiếp nhiều sự cố phát hiện lô sản phẩm chứa hóa chất vượt mức quy định đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của thương hiệu, đồng thời đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu.
Người tiêu dùng cần lưu ý kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ trước khi sử dụng. Việc sử dụng mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm chứa hóa chất vượt mức quy định.
Để đảm bảo an toàn, người dân có thể tra cứu thông tin sản phẩm mỹ phẩm được cấp phép tại trang web của Cục Quản lý Dược hoặc liên hệ các cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Cảnh báo về việc sử dụng hydroquinone trong các sản phẩm làm sáng da
Hydroquinone là một hoạt chất thường được sử dụng trong các sản phẩm thẩm mỹ để điều trị các tình trạng tăng sắc tố da. Chất này có trong nhiều dạng bào chế như kem, nhũ tương, gel, nước thơm và dung dịch, với công dụng làm sáng da thông qua việc can thiệp vào quá trình sản xuất melanin của các tế bào hắc tố.
Mặc dù hydroquinone thường được dung nạp tốt, nhưng việc sử dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ như khô da, kích ứng, ngứa, ban đỏ và viêm da tiếp xúc kích ứng nhẹ. Đặc biệt, sử dụng hydroquinone kéo dài có thể dẫn đến tình trạng rối loạn sắc tố, biểu hiện bằng các đốm màu xanh đen và các sẩn giống mụn trứng cá trên da.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo rằng, một số người sử dụng hydroquinone đã gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng như phát ban, sưng mặt, và đổi màu da vĩnh viễn. Các sản phẩm chứa hydroquinone cần được sử dụng theo đơn của bác sĩ và không được phép bán tự do trên thị trường.
Tháng 4/2022, FDA đã gửi thư cảnh báo đến 12 công ty bán các sản phẩm làm sáng da không kê đơn (OTC) chứa hydroquinone, khẳng định rằng các sản phẩm này không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả để được bán hợp pháp. FDA nhấn mạnh rằng các sản phẩm OTC chứa hydroquinone là thuốc chưa được phê duyệt và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người sử dụng.
FDA cũng khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm làm sáng da OTC chứa hydroquinone do nguy cơ gây rối loạn sắc tố da vĩnh viễn. Thay vào đó, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để có phương pháp điều trị an toàn cho các vấn đề về da như đốm đen hoặc lão hóa da.
Hiện tại, Tri-Luma là sản phẩm duy nhất có chứa hydroquinone được FDA phê duyệt. Đây là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị ngắn hạn các đốm đen liên quan đến nám da ở mức độ trung bình đến nặng trên mặt. Việc sử dụng Tri-Luma phải được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ.
FDA khuyến nghị người tiêu dùng kiểm tra nhãn sản phẩm và tránh sử dụng các sản phẩm làm sáng da có chứa hydroquinone, đặc biệt nếu chúng không được kê đơn bởi bác sĩ. Việc sử dụng hydroquinone một cách không kiểm soát có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe làn da.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da và luôn ưu tiên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị.
- Liên tiếp ngăn chặn vi phạm kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu dịp cuối năm, chuyên gia khuyến cáo thế nào tránh tác động tiêu cực từ mỹ phẩm lên da?
- Sai lầm khi dùng mỹ phẩm mà 80% chị em đều mắc phải khiến da ngày càng nổi mụn, xấu xí, đọc ngay để tránh
- Chất cấm trong lô mỹ phẩm Obagi Việt Nam vừa bị thu hồi nguy hiểm như thế nào?