Hóc dị vật phế quản khi ăn loại quả này
Hóc dị vật phế quản là một tai nạn sinh hoạt nguy hiểm, thậm chí rất nguy hiểm nếu không được xử lý đúng và kịp thời.
Hóc hạt hồng xiêm ở phế quản
Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí mới đây đã tiến hành gắp dị vật thành công cho một trường hợp hóc hạt hồng xiêm tại vị trí gốc phế quản phổi.
Người bệnh cho biết, trong lúc ăn hồng xiêm người bệnh không may bị sặc và hóc hạt hồng xiêm. Người bệnh đến viện trong tình trạng ho sặc, thở khò khè. Dị vật được các bác sĩ xác định mắc tại vị trí gốc phế quản trái. Vị trí này rất nhỏ, hẹp, khó để đưa dụng cụ hỗ trợ gắp dị vật.
Tình trạng hóc hạt hồng xiêm khi ăn loại quả này không phải hiếm gặp. Trước đây, cũng từng có trường hợp bệnh nhân ăn hồng xiêm không may bị sặc kèm theo xuất hiện ho, khó thở, đau tức ngực. Người bệnh đã cố gắng khạc nhưng không ra được. Về nhà 1 ngày, người bệnh thấy ho nhiều hơn và ho ra máu. Sau đó, người bệnh tới khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và được chỉ định chụp cắt lớp vi tính và phát hiện hình ảnh dị vật đường thở là hạt hồng xiêm trong lòng phế quản gốc phải.
Theo các bác sĩ, hạt hồng xiêm rất dễ bị trơn, tuột khi lôi kéo kèm nguy cơ gây xước rách đường thở nên đòi hỏi bác sĩ, kỹ thuật viên nội soi phải hết sức khéo léo, cẩn trọng trong quá trình can thiệp lấy dị vật.
Cách phòng tránh hóc dị vật
Dị vật phế quản là trường hợp các vật lạ rơi vào và mắc lại ở trong lòng phế quản của bệnh nhân. Đây là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em. Khi dị vật rơi vào trong đường hô hấp mà không gây ra hội chứng xâm nhập rõ hoặc bệnh nhân không biết, không để ý và không được chẩn đoán trong quá trình khám chữa bệnh thì sẽ trở thành dị vật phế quản bỏ quên.
Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong mọi hoạt động sinh hoạt, ăn uống. Nên ăn chậm, nhai kỹ, trong lúc ăn không nên cười đùa, la hét. Chế biến đồ ăn phù hợp tránh sặc, hóc đối với những người có nguy cơ cao như bệnh đột quỵ, tâm thần, người già, trẻ em.
Nếu không may bị sặc, ho tím tái, cần nghĩ ngay đến hóc dị vật đường thở. Rất nhiều người mắc sai lầm khi bị hóc dị vật là cố gắng lấy dị vật bằng tay hoặc bằng cách chữa mẹo khiến tình trạng không giải quyết được mà bệnh còn nặng hơn. Những trường hợp dị vật là những vật sắc nhọn đã được nuốt sâu không nên tự ý gây nôn, điều này có thể làm tổn thương thêm cho đường thở.
Khi người bệnh bị sặc hoặc hóc dị vật và có biểu hiện đau tức ngực, ho dữ dội, cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý kịp thời gắp dị vật ra càng sớm càng tốt.