Hôi miệng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư?
Hôi miệng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như mùi thức ăn, vệ sinh không sạch… Nhưng nếu tình trạng này kéo dài dù đã vệ sinh sạch sẽ, bạn nên đi khám ngay!
Tất cả mọi người đều thức dậy vào buổi sáng với một hơi thở chẳng mấy dễ chịu. Nó xuất phát từ vi khuẩn sản sinh trong răng miệng suốt 1 đêm dài nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, vệ sinh răng miệng kém hoặc ăn các loại thực phẩm chua cay, có mùi cũng khiến hơi thở của bạn không thể thơm tho được.
Một nguyên nhân nguy hiểm hơn cũng được các chuyên gia y tế đã cảnh báo. Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) và Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh cho biết, hôi miệng là được chỉ ra là một triệu chứng tiềm ẩn của bệnh ung thư thanh quản. Dấu hiệu này có nhiều khả năng xuất hiện ở giai đoạn sau của bệnh. Khi khối u phát triển, nó có thể gây đau đớn, sụt cân, hôi miệng và nuốt nghẹn thức ăn.
Tờ Express chia sẻ lời của bác sĩ Vishal Gupta - chuyên gia về phẫu thuật đầu cổ, đồng thời là trợ lý giáo sư về ung thư học và tai mũi họng rằng, hiện vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao căn bệnh ung thư này có liên quan đến chứng hôi miệng, nhưng có khả năng là nó liên quan đến nồng độ polyamine cao trong tế bào ung thư.
Do đó, bác sĩ khuyên bạn nếu bắt đầu cảm thấy hơi thở có mùi nghiêm trọng hơn, bạn nên thay đổi lối sống như thường xuyên đánh răng và dùng chỉ nha khoa, đồng thời bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn dai dẳng, hãy đi khám để kiểm tra xem bạn có mắc các bệnh nghiêm trọng hơn không.
Ngoài hôi miệng, căn bệnh ung thư thanh quản còn có các dấu hiệu điển hình như:
- Thay đổi giọng nói, chẳng hạn như khàn giọng trong hơn 3 tuần
- Đau khi nuốt hoặc khó nuốt
- Xuất hiện khối u hoặc sưng ở cổ
- Ho hoặc khó thở kéo dài
- Đau họng hoặc đau tai dai dẳng
- Tiếng thở khò khè the thé khi thở
- Khó thở
- Giảm cân không chủ ý
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân...
Các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư thanh quản nhưng khuyến cáo người dân nên hạn chế các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ:
- Hút thuốc lá
- Thường xuyên uống nhiều rượu
- Có thành viên trong gia đình (như cha mẹ, anh, chị, em) bị ung thư thanh quản
- Có chế độ ăn uống không lành mạnh, ít trái cây và rau củ
- Tiếp xúc với một số hóa chất và chất như amiăng và bụi than.