Hỗ trợ nông dân trồng khoai lang Vĩnh Long phát huy thế mạnh vùng
Nông dân trồng khoai lang Vĩnh Long đang từng bước thay đổi từ canh tác truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập.
Vĩnh Long được xem là vựa khoai lang của miền Tây nước ta. Khoai lang Vĩnh Long tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Tân với diện tích hằng năm hơn 10.000 ha, sản lượng trung bình 300.000 tấn. Để tìm lại hướng đi giúp bà con nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long sản xuất và xuất khẩu khoai lang sang thị trường Trung Quốc sau đợt dịch, chính quyền các cấp của tỉnh đã và đang cố gắng hỗ trợ bà con nông dân phát huy thế mạnh vùng.
Trong đợt dịch COVID-19, tình hình tiêu thụ khoai lang của nông dân rất khó khăn, không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá khoai chỉ còn hơn 600 đồng/kg, nếu thu hoạch, người dân thậm chí không đủ tiền trả tiền thuê nhân công. Năm 2022, diện tích trồng khoai Vĩnh Long giảm rất mạnh. Trong vụ hè thu 2022, toàn tỉnh chỉ xuống giống được 367ha, giảm 88,8% tương đương giảm gần 3.000ha so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện tại chính quyền các cấp ở tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, vận động và hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng cho bà con nông dân. 27 hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng cho cây khoai lang của tỉnh đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận, tập trung chủ yếu tại các xã của huyện Bình Tân đã củng cố thêm niềm hi vọng của người dân về tương lai của cây khoai lang.
Sau khi hết vụ lúa đông xuân, các hộ nông dân bắt đầu quay trở lại tái xuống giống. Nông dân nào không tham gia sản xuất khoai nằm trong vùng xuất khẩu sẽ được tập huấn sản xuất chuẩn VietGAP, làm hồ sơ để xây dựng mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa.
Giá khoai lang tím Nhật hiện tại khoảng 650.000 đồng/60 kg. Tuy nhiên xuống giống khoai vụ này rất đắt đỏ, chi phí cả vụ khoảng 25 triệu đồng/công (1.000 m2), mỗi công khoai thu hoạch nông dân chỉ lời được khoảng 7,5 triệu đồng.
Chi phí đầu tư hiện tại khá cao khiến nông dân chưa thực sự mạnh dạn để tái sản xuất. Do vậy, UBND xã Thành Trung, huyện Bình Tân là cầu nối để các doanh nghiệp tìm đến địa phương tham gia liên kết với người dân tổ chức lại sản xuất.
Hiện nhiều doanh nghiệp đang liên kết với bà con nông dân trồng khoai lang tại huyện Bình Tân, có các chính sách liên kết bao tiêu, hỗ trợ chi phí sản xuất ban đầu từ 30 - 50%. Tổ chức liên kết sản xuất chặt chẽ hơn để cây khoai lang phát triển bền vững... Trong tháng 4 này, dự kiến khoai lang tím Nhật sẽ có lô hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên.