Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm ngàn ô tô
Từ ngày 1/1/2025, Quy chuẩn mới về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe có hiệu lực, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Cục Cảnh sát giao thông về việc giải đáp, tháo gỡ các khó khăn khi triển khai thực hiện.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thông tin, ngày 6/1/2025, Cổng thông tin điện tử Chính phủ công bố Thông tư số 62/2024/TT-BCA, trong đó quy định Quy chuẩn quốc gia QCVN 06:2024/BCA về thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (TBGNHANLX) lắp trên phương tiện vận tải, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Qua nghiên cứu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận thấy, Thông tư số 62/2024/TT-BCA mới được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 6/1/2025, do vậy các đơn vị sản xuất, lắp ráp TBGNHANLX không có đủ thời gian để thực hiện sản xuất, lắp ráp TBGNHANLX để cung cấp ra thị trường, nên có khoảng trống rất lớn về việc này.
Bởi theo kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai thực hiện QCVN 31:2014/BGTVT về TBGSHT trước đây, để TBGNHANLX hợp quy theo quy định QCVN 06:2024/BCA thì cần phải có thời gian khoảng 4 - 6 tháng để hoàn thành các công việc cần thiết như: Cơ quan Nhà nước hoàn thành thủ tục lựa chọn đơn vị đánh giá; cơ quan, đơn vị đo lường thử nghiệm; các đơn vị sản xuất/nhập khẩu TBGNHANLX cần thời gian hợp quy GSM ở Bộ Thông tin và Truyền thông; thời gian đơn vị có chức năng đánh giá quy trình sản xuất, thời gian đưa mẫu thiết bị tới Trung tâm đo lường thử nghiệm để thử nghiệm thiết bị; thời gian thiết kế thiết bị, thời gian nhập khẩu linh kiện/thiết bị, thời gian sản xuất, lắp ráp...
Theo Quy chuẩn mới, thì TBGSHT tương đồng với Quy chuẩn đã ban hành trước đó (QCVN 31:2014/BGTVT).
Tương tự, TBGNHANLX cũng tương đồng với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13396:2021 đã ban hành, như: Có chức năng truyền lại video về máy chủ, trích xuất được dữ liệu video ngay tại xe, vỏ thiết bị bằng kim loại tản nhiệt tốt, còn phải tích hợp các chức năng của TBGSHT như ghi nhận và cảnh báo quá tốc độ, thời gian lái xe liên tục....
Bên cạnh đó, TBGNHANLX quy định kỹ thuật có phần “dễ thở” hơn, đó là nếu nhận dạng lái xe bằng camera thì không cần đầu đọc thẻ lái xe, nếu giao tiếp được qua cổng tốc độ cao (không dây hoặc có dây) thì không cần cổng RS232.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các quy định tại Quy chuẩn mới tương thích với quy chuẩn quốc gia QCVN 31:2014/BGTVT và Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13396:2021 đã ban hành trước đó, vì thế theo nguyên tắc, các thiết bị đã và đang lắp theo Quy chuẩn và Tiêu chuẩn cũ vẫn phù hợp với Quy chuẩn mới. Hiệp hội cũng đang có công văn lên Cục Cảnh sát giao thông để giải đáp băn khoăn, bởi quá trình chuyển tiếp lên Quy chuẩn mới cần khoảng thời gian 4 - 6 tháng để các đơn vị kịp thời đi đăng ký chứng nhận, đo lường thử nghiệm và sản xuất.
Từ những lý do nêu trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị trong khoảng trống này, các TBGNHANLX đã đạt đồng thời theo QCVN 31:2014/BGTVT và TCVN 13396:2021 xin được cho phép tiếp tục lắp đặt, sử dụng cho hết thời hạn ghi trên hai giấy chứng nhận này.
Ngoài ra, các TBGNHANLX đã lắp đặt trên phương tiện, có cả hai chứng nhận theo QCVN 31:2014/BGTVT và TCVN 13396:2021 nói trên vẫn tiếp tục sử dụng để tránh lãng phí lớn cho xã hội, vì vẫn đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật theo Quy chuẩn mới.
Được biết, hiện nay có khoảng 250.000 phương tiện cơ giới đường bộ đã lắp TBGNHANLX, trong đó đa số đã lắp đặt theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13396:2021.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, kể từ năm 2025, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Nội dung trên được căn cứ theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 151 của Chính phủ, Thông tư 71/2024 của Bộ Công an.
Theo quy định, thiết bị giám sát hành trình được lắp trên ô tô kinh doanh vận tải, ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ. Còn thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe được lắp trên ô tô chở người từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải (không kể chỗ ngồi của người lái xe), ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ.
Quy định này nhằm phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý hành vi vi phạm, quản lý nhà nước về vận tải đường bộ.
Dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe sẽ được kết nối, chia sẻ với Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam), Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Để triển khai thực hiện nghiêm túc quy định nêu trên, Cục CSGT đề nghị các đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe phối hợp thực hiện kết nối, tích hợp, kiểm thử và truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe về Cục CSGT.
Về thời gian đăng ký lịch kiểm thử tích hợp, thử nghiệm tích hợp, truyền dữ liệu trên môi trường thật hoàn thành trước ngày 25/1. Cục CSGT cũng phân công bộ phận kỹ thuật hướng dẫn các đơn vị hoàn thành nội dung trên.
Trước đó, tại Thông tư số 73/2024, Bộ Công an cũng quy định đơn vị CSGT được khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Từ 1/1/2025, cảnh sát giao thông được khai thác dữ liệu từ camera hành trình để xử lý vi phạm
- Không có giấy phép kinh doanh, cơ sở vẫn rao bán hàng loạt màn hình ô tô, camera hành trình X7 Metal Shell không rõ nguồn gốc trên Shopee
- Từ 1/1: Người lái xe vượt đèn đỏ bị CSGT xử phạt tới 20 triệu đồng, nếu đèn trục trặc thì có phạt không?