Hành trình của hạt gạo lúa tôm
Bà con vùng trồng lúa tôm nói với nhau: 'Mần ruộng kiểu này đơn giản hơn bởi sản xuất thuận tự nhiên, cũng không tốn quá nhiều công sức mà thu nhập từ vụ lúa cũng tăng hơn'.
Từ những cánh đồng
Lúa - tôm là mô hình canh tác đặc thù chỉ có ở những vùng ven biển, bị nhiễm mặn tại ĐBSCL. Mùa khô, đồng ruộng bị nước mặn xâm nhập nên người dân nuôi tôm. Vào mùa mưa (khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch hàng năm) là thời điểm có thể tận dụng được nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng; từ đó tận dụng để xen canh trồng lúa. Nhưng thay vì trồng các giống lúa đỏ, lúa phẩm cấp thấp thì nay người dân đã chuyển đổi sang trồng các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao như ST24, ST25.
Điểm đặc biệt khi trồng lúa ở mô hình này là không sử dụng phân thuốc hóa học mà tận dụng chất thải từ con tôm để sinh trưởng, do đó lúa không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau là những vùng nguyên liệu lúa tôm màu mỡ của ĐBSCL. Trong đó, Kiên Giang là địa phương có diện tích canh tác lớn nhất với khoảng 100.000ha.
Tại huyện A Minh (Kiên Giang), người nông dân năm nay còn có thêm điểm mới khi liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Từ những ngày đầu xuống giống, đã có kỹ sư nông nghiệp đến hỗ trợ. Từ chỗ canh tác theo tập quán cũ, nay nông dân đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc tuân thủ các quy trình trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu.
Thực tiễn cũng cho thấy, khi áp dụng mô hình lúa - tôm, lúa ít sâu bệnh, môi trường đồng ruộng được cải tạo tốt, góp phần giảm rủi ro cho vụ tôm. Chi phí sản xuất giảm do chỉ sử dụng phân hữu cơ nhưng thu nhập lại có thể tăng từ 40-50% so với chỉ chuyên canh vụ lúa.
Đến nhà máy xử lý - đóng gói
Lúa sạch nhưng gạo có ngon hay không lại nằm ở khâu xử lý, đóng gói. Lúa tươi sau khi thu hoạch về đồng chỉ giữ được trọn vẹn đặc tính của nó trong khoảng thời gian từ 8-10 tiếng. Do đó, mùa thu hoạch đến không chỉ rộn ràng trên những cánh đồng mà còn rộn ràng trên những con đường vận chuyển, rộn ràng tiếng máy hoạt động ngày đêm tại các cơ sở xử lý - chế biến - đóng gói gạo thành phẩm.
Sau khi được vận chuyển từ cánh đồng về nhà máy để sấy, lúa khô tiếp tục được đưa và silo trữ lạnh theo công nghệ châu Âu - đưa vào hệ thống bóc vỏ trấu - xát trắng - lau bóng - tách màu để sàng lọc hạt gạo hư - xông trùng để đảm bảo không còn côn trùng và cuối cùng mới đến công đoạn đóng gói trước khi được gửi đến tay người tiêu dùng.
- Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao kỷ lục, đạt mức 638 USD/tấn
- Theo chân Hoa hậu Liên lục địa khám phá miền "gạo trắng nước trong"
- Live concert 'Mắt biếc': Bản tình ca ngọt ngào chìm đắm trong những tình khúc Ngô Thuỵ Miên