Gỡ 'nút thắt' thị trường nội địa: Cần nhiều hơn những chương trình kích cầu
Thị trường nội địa đầy tiềm năng nhưng vẫn vướng nhiều rào cản; muốn khai thác hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ từ chính sách đến doanh nghiệp.
Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường trong nước, đặc biệt là với sự xuất hiện chính thức của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Phát biểu tại Hội nghị giải pháp phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng do Bộ Công Thương tổ chức, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – cho rằng đây là thời điểm mang đến cả cơ hội lẫn thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt.
Cạnh tranh khốc liệt ngay trên "sân nhà"
Theo ông Linh, khi các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đi vào hoạt động chính thức tại Việt Nam, người tiêu dùng trong nước sẽ dễ dàng mua sắm hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm như thực phẩm chức năng từ nước ngoài chỉ với vài thao tác. Điều này đẩy các doanh nghiệp nội địa vào thế cạnh tranh trực tiếp với những “ông lớn” quốc tế có tiềm lực tài chính, thương hiệu mạnh và dịch vụ vượt trội.

Đặc biệt, sức ép càng lớn khi các quốc gia lân cận, đặc biệt là Trung Quốc, đang tích cực thúc đẩy thương mại điện tử với những chương trình hỗ trợ chưa từng có trong ba năm gần đây. Việt Nam, với lợi thế dân số trẻ và hạ tầng số đang phát triển, trở thành thị trường hấp dẫn cho các nền tảng xuyên biên giới. Đây sẽ là “sân chơi” khốc liệt, buộc doanh nghiệp trong nước phải tăng tốc về mọi mặt – từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi đến khả năng tận dụng công nghệ và kênh phân phối hiện đại.
Ông Phan Văn Chinh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – cho biết thêm, giá cả một số mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục xu hướng tăng, tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn, trong khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế chưa đủ mạnh để kích thích tiêu dùng đại chúng.
Dù còn nhiều thách thức, thị trường hàng hóa trong nước vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Các địa phương lớn đã và đang triển khai nhiều chương trình kết nối cung – cầu, bình ổn giá cả nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nguồn cung hàng hóa nội địa vẫn phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Đặc biệt, loạt dịp lễ lớn và các kỳ nghỉ dài trong năm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, tạo động lực phục hồi cho thị trường bán lẻ trong nước.
Phát triển thị trường nội địa còn nhiều thách thức
Các chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi đáng kể cả về quy mô lẫn hình thức tiêu dùng. Với dân số hơn 100 triệu người và thu nhập ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều “ông lớn” bán lẻ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tươi sáng ấy là những rào cản lớn khiến hoạt động phân phối hàng hóa trong nước chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Theo số liệu của Cục Thống kê – Bộ Tài chính, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 ước đạt khoảng 4.922 nghìn tỷ đồng (tương đương 190 tỷ USD). Trong đó, nhóm hàng lương thực – thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 35,7%, tiếp theo là đồ dùng, thiết bị gia đình (10,7%), hàng may mặc (5,5%), phương tiện đi lại (4,8%) và vật phẩm văn hóa – giáo dục (1,3%).
Hàng hóa đến tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới hạ tầng thương mại phát triển nhanh chóng, song song với tốc độ đô thị hóa. Đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và gần 7.000 cửa hàng tiện lợi. Dù vậy, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 75% tổng tiêu dùng, trong khi bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20% và thương mại điện tử mới dừng lại ở khoảng 5%.
Trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ, các thương hiệu bán lẻ ngoại như Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), Central Retail và MM Mega Market (Thái Lan) đang dần mở rộng thị phần tại Việt Nam. Song song đó, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… cũng ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Không đứng ngoài cuộc, doanh nghiệp nội như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Wincommerce… cũng liên tục mở rộng hệ thống nhằm tăng sức cạnh tranh.

Dù có nhiều lợi thế về thị trường, nhưng hoạt động phân phối hàng hóa nội địa vẫn gặp phải loạt thách thức đáng kể. Trước tiên, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm kéo theo những biến động về tỷ giá, chính sách thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, khiến sức mua trong nước sụt giảm.
Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm chuyển dịch từ truyền thống sang trực tuyến tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là nhóm nhỏ và vừa. Việc đầu tư vào nền tảng số, logistic hay dữ liệu người dùng không hề dễ dàng và cần nguồn lực tài chính lớn – điều mà nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được.
Một khó khăn khác là yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng: họ ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện môi trường, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa kịp chuyển đổi để bắt kịp xu hướng này. Các doanh nghiệp nhỏ từ địa phương cũng gặp rào cản khi đưa hàng vào siêu thị, trung tâm thương mại do chi phí trưng bày cao, thủ tục rườm rà.
Không dừng lại ở đó, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nhanh khiến hàng ngoại nhập tràn ngập thị trường. Người tiêu dùng dễ dàng mua hàng từ nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho hàng hóa trong nước.
Theo các chuyên gia, thị trường nội địa còn đối mặt rủi ro khi các quốc gia lớn áp dụng chính sách bảo hộ, tăng thuế hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này không chỉ gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập người lao động và sức mua nội địa.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, cơ quan này điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp cùng chính sách tài khóa để giữ vững lạm phát và ổn định tỷ giá. Các gói tín dụng ưu đãi như 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản cũng được kích hoạt để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hệ thống ngân hàng cắt giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm lãi suất cho vay – giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường kết nối cung – cầu, tổ chức phiên chợ hàng Việt tại các địa phương. Đồng thời, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng được xem là một giải pháp dài hạn nhằm đưa hàng hóa địa phương vào chuỗi phân phối hiện đại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích mạnh hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phân phối hàng hóa, thúc đẩy bán hàng online và trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, các chương trình bình ổn giá, xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng cần được triển khai thường xuyên hơn, nhất là vào dịp cao điểm lễ, Tết.