Giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giảm thu Ngân sách Nhà nước 867 tỷ đồng/tháng
Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu Ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng.
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo dự thảo, từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có), theo Tài chính Doanh nghiệp.
Việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng.
Không chỉ thị trường ô tô mới mà cả thị trường ô tô cũ, xe nhập khẩu cũng bị tác động không nhỏ. Nhiều đại lý cho biết, thời gian này, việc khách hàng cân nhắc việc trì hoãn mua ô tô để chờ ưu đãi là dễ hiểu, nhưng ở phía kinh doanh thì ngoài việc “nín thở chờ thời” không còn cách nào khác vì nếu tung chương trình để chạy doanh số mà không phù hợp với thời điểm chính sách mới hiện chưa biết khi nào được thông qua, sẽ rất bất lợi trong kế hoạch tài chính dài hạn.
Theo Bộ Tài chính, dự kiến, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về LPTB bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước của các địa phương. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương.
Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ LPTB, thuế TTĐB, thuế VAT có thể tăng.
Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, tháng 4/2024, doanh số ô tô toàn thị trường đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng 3/2024 nhưng vẫn tăng 9% so với tháng 4/2023. Số lượng xe bán ra đã cao hơn so với doanh số trung bình của năm 2023. Lũy kế 4 tháng, doanh số bán hàng toàn thị trường (theo VAMA) đạt 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, thị trường ô tô trong nước tiếp tục giằng co và chưa thực sự vào chu kỳ tăng trưởng như kỳ vọng trước đó.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của SSI Research, bức tranh thị trường ô tô Việt Nam vẫn chưa khởi sắc hơn so với năm 2023, mức tăng trưởng dự kiến khoảng 9%. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước đang mong đợi đợt giảm lệ phí trước bạ lần thứ 4 của Chính phủ, dự kiến nếu được thông qua sẽ áp dụng từ ngày 1/7 đến hết năm 2024.
Đây sẽ là một cú hích lớn dành cho các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Nhưng các thương hiệu ô tô nhập khẩu sẽ ở chiều ngược lại khi phải liên tục điều chỉnh chiến lược để tồn tại trên thị trường vốn đang rất khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Theo ghi nhận, các hãng xe nhập khẩu đang rất thận trọng trong việc tính toán chiến lược và các ưu đãi trong nửa cuối năm 2024 đang cận kề.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4/2024 ước đạt 12.500 chiếc, giá trị 244 triệu USD. Trước đó, vào tháng 3, số lượng xe nhập khẩu là 15.860 chiếc có giá trị kim ngạch 330 triệu. Như vậy, so với tháng liền kề, ô tô nhập khẩu trong tháng 4/2024 giảm 21,2% về lượng và 26,1% về giá trị.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, có tổng cộng 38.200 chiếc ô tô mới, bao gồm cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu được bổ sung cho thị trường Việt Nam, giảm 6% so với tháng 3/2024 nhưng tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Thực tế, trong khi chờ chính sách mới, phần lớn các hãng ô tô lắp ráp và sản xuất tại Việt Nam để tồn tại và duy trì doanh số đã tiếp tục phải tung ra các chương trình ưu đãi lớn để thu hút khách hàng trong khi thị trường vẫn đang có những diễn biến khó lường.
Về tình hình thời gian tới, giới phân tích chuyên môn trong ngành cho rằng, thông tin về đợt ưu đãi lệ phí trước bạ dự kiến thông qua thời gian tới cho xe lắp ráp trong nước cần được thông qua sớm để tránh những tác động khó lường tới thị trường xe vốn đang rất ảm đạm trong thời gian dài vừa qua.
Trung bình, mỗi lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất và lắp ráp trong nước, nguồn thu ngân sách bị giảm khoảng từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao dốc không phanh, các chuyên gia kinh tế nhận định đây là “bài thuốc” hiệu quả giúp kích cầu tiêu dùng ngành ô tô trong nước.