Thứ năm, 06/04/2023, 14:03 (GMT+7)

Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2023: Cuộc cạnh tranh khốc liệt

TH (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2023 đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía nhiều các đơn vị trong ngành. Theo thống kê sơ bộ của ban tổ chức, đến nay, đã có khoảng 325 hồ sơ đăng ký tham dự, trong đó có nhiều dự án nổi bật đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Kể từ khi khởi động vào tháng 12/2022, Giải thưởng Kiến trúc châu Á – Asia Architecture Design Awards (AADA) đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các kiến trúc sư, nhà thiết kế, các đơn vị lớn nhỏ trong ngành với hàng trăm dự án, công trình gửi về tham dự từ các quốc gia trên khắp châu Á.

Theo thống kê sơ bộ của ban tổ chức, đến nay, đã có khoảng 325 hồ sơ đăng ký tham dự, trong đó có nhiều dự án nổi bật đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines. Đây đều là các nước đang có sự phát triển mạnh về hạ tầng và kiến trúc. Mỗi nước có một đặc trưng về văn hóa, kiến trúc riêng và tạo ra sự đa dạng trong phạm vi Giải thưởng Kiến trúc châu Á.

Giải thưởng Kiến trúc châu Á
Công trình Mai Châu Culture Resort (Việt Nam) dự thi hạng mục Kiến trúc Khu Nghỉ dưỡng xuất sắc nhất của Giải thưởng Kiến trúc châu Á

Ông Dylan Yip, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược của Tổ chức Giải thưởng châu Á (AAO), đơn vị đăng cai AADA cho biết: “Chúng tôi không quá bất ngờ khi nhận được hồ sơ đăng ký tham dự AADA của các đơn vị đến từ Ấn Độ, Thái Lan hay Việt Nam. Trong thời gian gần đây, các quốc gia này có sự phát triển rất nhanh về cơ sở hạ tầng và nổi lên với nhiều công trình mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, chúng tôi ấn tượng bởi số lượng hồ sơ khá lớn, cho thấy sự quan tâm của họ tới các giải thưởng quốc tế - như một cách tìm kiếm sự công nhận về mặt chuyên môn cũng như mang tên tuổi của quốc gia họ ra với thế giới”.

Theo ông Dylan Yip, các đăng ký tập trung nhiều nhất ở hạng mục Thiết kế Kiến trúc, Thiết kế Khu nghỉ dưỡng, khách sạn và Thiết kế nội thất thương mại. Ở hạng mục Kiến trúc dân cư, Ấn Độ chiếm phần lớn với nhiều công trình pha trộn giữa yếu tố tôn giáo và kỹ thuật hiện đại. Thái Lan nổi bật ở hạng mục Thiết kế nội thất thương mại với các công trình bảo tàng, khu vui chơi, showroom ô tô… Việt Nam có nhiều công trình kiến trúc resort, khách sạn, văn phòng… 

Giải thưởng Kiến trúc châu Á
Công trình Urban Skyline (Ấn Độ) dự thi hạng mục Thiết kế Khu dân cư xuất sắc nhất.

Kiến trúc sư Tan Quee Peng, Giám đốc Green Mark, Tổng Giám đốc RSP Việt Nam - cố vấn chuyên môn đồng thời là giám khảo Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2023 cho biết: “Tôi rất vui khi AADA nhận được sự quan tâm lớn từ các nền kiến trúc đang lên ở châu Á, thể hiện được chủ đề năm nay của AADA là “Impactful Asia – Vì một châu Á đột phá”. AADA là một cuộc cạnh tranh công bằng, với những tiêu chí minh bạch, sự công tâm đến từ các nhà chuyên môn uy tín trong khu vực. Tôi tin, AADA sẽ góp phần tôn vinh sự sáng tạo, thúc đẩy sự tiến bộ, mang lại những giá trị thiết thực cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng”.

Bà Nguyễn Cẩm Tú, CEO Vietnam Design & Build Center, đối tác chiến lược của Tổ chức Giải thưởng châu Á tại Việt Nam, cho biết: “Giải thưởng Kiến trúc châu Á là cơ hội rất tốt để các đơn vị Việt Nam giao lưu, cọ xát và cạnh tranh một cách lành mạnh với các nền kiến trúc lớn ở khu vực. Trên thực tế, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với nhiều kiến trúc sư giỏi, sở hữu đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo và gu thẩm mỹ độc đáo. Tôi tin, sẽ có cơ hội cho kiến trúc Việt Nam tỏa sáng tại Giải thưởng Kiến trúc châu Á”.

Cùng chuyên mục