Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 03/07/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 4/7: Giá xăng trong nước dự báo tăng liên tiếp lần thứ 4

Giá xăng dầu hôm nay 4/7 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang4

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4/7 được áp dụng theo kỳ điều chỉnh giá từ 15h chiều ngày 27/6 của liên bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 506 đồng/lít, lên mức 22.014 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 544 đồng/lít lên mức 23.010 đồng/lít. Giá dầu điêzen 0.05S tăng 329 đồng/lít, lên mức 20.689 đồng/lít; dầu hỏa tăng 258 đồng/lít, ở mức 20.614 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S tăng 223 đồng/kg, lên mức 17.446 đồng/kg.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 26 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 11 kỳ tăng đồng loạt, 7 kỳ giảm giá, 8 kỳ giảm giá xăng dầu tăng - giảm đan xen.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Dự báo trong kỳ điều hành giá chiều nay (thứ 5, ngày 4/7), giá xăng dầu nhiều khả năng sẽ nối tiếp đà tăng theo xu hướng thế giới.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 4/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 83,60 USD/thùng, tăng 1,29% (tương đương tăng 1,07 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 87,05 USD/thùng, tăng 0,94% (tương đương tăng 0,81 USD/thùng).

Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% vào phiên giao dịch ngày hôm nay, sau khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến, nhưng mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại về lượng dầu tồn kho toàn cầu tăng trong phiên giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Độc lập của Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 12,2 triệu thùng vào tuần trước, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters về mức giảm 680.000 thùng, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Lý giải về lượng tồn kho dầu “khủng” của Mỹ, nhà phân tích dầu mỏ Matt Smith của Kpler cho biết đó là do xuất khẩu mạnh, nhập khẩu giảm nhẹ và hoạt động lọc dầu phục hồi. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng phản ứng của thị trường khá yếu ớt trước dữ liệu này một phần là do khối lượng giao dịch thấp hơn trước Ngày Độc lập của Mỹ (4/7).

Khả năng gián đoạn nguồn cung do bão Beryl cũng đẩy giá dầu leo dốc mặc dù mối lo ngại đã giảm bớt sau khi Trung tâm Bão quốc gia Mỹ cho biết, cơn bão dự kiến sẽ suy yếu khi đi khi vào Vịnh Mexico tuần này. Theo Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates, tác động của mưa và gió vẫn có thể làm gián đoạn sản xuất dầu ngoài khơi của Mexico - nước xuất khẩu dầu thô lớn trên thế giới - cũng như cơ sở hạ tầng xuất khẩu của nước này, khiến nguồn cung bị thắt chặt.

Một cuộc khảo sát của Reuters gần đây cho thấy, trong tháng 6, sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng tháng thứ 2 liên tiếp, điều này đã gây sức ép lên giá dầu. Nguồn cung cao hơn từ Nigeria và Iran đã bù đắp cho việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện của các thành viên khác của OPEC và các đồng minh.

Cùng chuyên mục