Giá xăng dầu hôm nay 3/9: Phục hồi sau cú trượt dốc
Giá xăng dầu hôm nay 3/9 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.
Giá xăng dầu hôm nay trong nước
Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 3/9 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 29/8 của liên bộ Tài chính – Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 92 đồng/lít, xuống còn 20.332 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 208 đồng/lít, xuống còn 21.109 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S giảm 299 đồng/lít, xuống còn 18.477 đồng/lít; dầu hỏa giảm 84 đồng/lít, xuống còn 19.065 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S giảm 194 đồng/kg, xuống còn 15.562 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút.
Từ đầu năm đến nay, tính đến kỳ điều chỉnh ngày 29/8, giá xăng có 17 lần tăng, 17 đợt giảm. Còn giá dầu tăng 15 lần, giảm 18 lần.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 5/9. Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động theo tình hình xăng dầu thế giới. Theo diễn biến thị trường hiện nay, dự báo trong kỳ điều hành giá kỳ tới, giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục giảm, mức giảm khoảng 100 - 200 đồng/lít.
Giá xăng dầu hôm nay thế giới
Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc 5h30 ngày 3/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 73,67 USD/thùng, tăng 0,19% (tương đương tăng 0,14 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 77,28 USD/thùng, tăng 0,77% (tương đương tăng 0,59 USD/thùng).
Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ, phục hồi một số khoản lỗ từ cuối tuần trước, do hoạt động xuất khẩu dầu của Libya vẫn dừng lại và lo ngại về sản lượng OPEC+ tăng từ tháng 10 đã giảm bớt.
Reuters cho biết hoạt động xuất khẩu dầu tại các cảng lớn của Libya vẫn tạm dừng, sản lượng cũng bị cắt giảm trên khắp cả nước do căng thẳng giữa các phe phái chính trị ở Libya vẫn chưa “hạ nhiệt”. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya cũng đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với mỏ dầu El Feel từ ngày 2/9. Công ty Dầu khí Vịnh Arab của Libya đã khôi phục sản lượng khoảng 120.000 thùng/ngày hôm 1/9 để cung cấp cho một nhà máy điện tại cảng Hariga.
Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa chính tại SEB nhận xét, những xáo trộn hiện tại trong sản xuất dầu của Libya có thể tạo chỗ cho nguồn cung bổ sung từ OPEC+. Nhưng những biến động này đã trở nên khá bình thường trong vài năm qua, nghĩa là bất kỳ sự cố ngừng hoạt động nào cũng có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Cũng theo Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ bắt đầu tăng sản lượng dầu theo kế hoạch từ tháng 10. Theo đó, 8 thành viên của OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng 180.000 thùng/ngày như một phần của kế hoạch bắt đầu nới lỏng lệnh cắt giảm nguồn cung gần đây nhất trong khi vẫn duy trì các lệnh cắt giảm khác cho đến cuối năm 2025.
Reuter trích dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 23/8, tồn kho dầu của Mỹ đã giảm 846.000 thùng xuống còn 425,2 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 2,3 triệu thùng của các nhà phân tích, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group cho rằng, tin tức về việc tăng sản lượng của OPEC+ đã đẩy giá dầu trượt dốc vào tuần trước nhưng quy mô bán tháo đã quá mức. Theo Flynn, thị trường đã phản ứng thái quá trước lượng cung tăng mạnh và hiện tại có vẻ như thị trường đã nhìn nhận báo cáo đó một cách đúng đắn.